09:42 25/11/2008

Rối bời cổ tức cuối năm

Tại các sàn chứng khoán, chuyện chia cổ tức đang được các nhà đầu tư quan tâm săn tin và bàn tán nhiều

Tại các sàn chứng khoán, nhà đầu tư đang bàn tán nhiều về cách chia cổ tức ở các công ty.
Tại các sàn chứng khoán, nhà đầu tư đang bàn tán nhiều về cách chia cổ tức ở các công ty.
Tại các sàn chứng khoán, chuyện chia cổ tức đang được các nhà đầu tư quan tâm săn tin và bàn tán nhiều.

Nhiều cổ đông năm nay bội thu vì mùa cổ tức 2008 được không ít các doanh nghiệp chi trả với tỷ lệ cao bằng tiền, nhưng cũng có nhiều cổ đông “ăn hụt” cổ tức năm nay.

Khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đang chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức 2008 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả từ 10% mệnh giá trở lên.

Người cười….

Một trong những lý do đầu tiên khiến cổ đông ngày càng trông đợi vào cổ tức là lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm gần về mức 10%/năm.

Các doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao có Công ty Cổ phần May Phú Thịnh (NPS) với tỷ lệ cổ tức 40%/cổ phần - một cổ phần được nhận 4.000 đồng. Công ty Cổ phần Gạch ngói Nhị Hiệp (NHC) vừa chi trả 30% bằng tiền mặt vừa phát hành thêm cổ phiếu thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 100:6. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long An Giang (ACL) trả 35%. Công ty Cổ phần Đá ốp lát Vinaconex (VCS) 20%/cổ phần và đang lấy ý kiến cổ đông tăng tỷ lệ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lên 50% vốn điều lệ.

Cổ đông của những blue-chip như VNM, FPT, ACB cũng được hưởng tỷ lệ cổ tức cao, tương ứng 29%, 26% và 25%.

Giám đốc một công ty chứng khoán nhận xét, việc trả cổ tức cuối năm bằng tiền mặt đã làm thoả lòng và xoa dịu được giới cổ đông sau một năm kinh doanh “thất bát” với giá cổ phiếu liên tục rớt dài. Việc Ủy ban Chứng khoán ngày 11/11 qua “bác” phương án phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 15% để trả cổ tức năm 2007 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Việt (DVSC) đã làm cổ đông công ty này mát lòng.

Theo đó, DVSC hiện đang lấy ý kiến cổ đông về phương án chi trả cổ tức mới, với cổ tức tỷ lệ 5% bằng tiền mặt vào tháng 12 này và 10% còn lại sẽ trả bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt vào năm 2009 hoặc 2010 tuỳ thuộc tình hình kinh doanh của công ty.

Kẻ khóc…

Trong khi đó, nhiều cổ đông khác đang lo ngại sẽ khó sớm nhận được cổ tức cuối năm. Như cổ đông Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) vừa nhận được thông báo hoãn trả cổ tức đợt 1 năm 2008.

PPC lý giải, do khoản nợ vay JBIC xây dựng nhà máy Phả Lại 2 của PPC bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự biến động tỷ giá giữa VND với đồng yen Nhật, khiến chi phí tài chính cho việc xác định lại tỷ giá tăng lên.

Kết quả là sau khi trích vào chi phí tài chính trên, lợi nhuận còn lại được chia cổ tức 228,5 tỉ đồng không còn đồng nào, đưa đến lợi nhuận năm 2008 của PPC sẽ không đủ để tạm ứng cổ tức đợt một là 3%/mệnh giá theo kế hoạch. Tuy PPC cam kết rằng sẽ tiến hành chi trả nếu có đủ lợi nhuận, nhưng nhiều cổ đông cũng đang nản lòng.

Còn cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội (Hancic), một công ty có mức chi trả cổ tức năm 2008 cao ngất là 550%/mệnh giá (55.000 đồng/cổ phần) đang phản đối phương án tạm ứng cổ tức đợt 2 (đợt 1 đã chi 200%/mệnh giá).

Trong phương án này, cổ đông Hancic sẽ nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 100%, tương đương 10.000 đồng/cổ phần, 250% mệnh giá còn lại (tương đương 25.000 đồng/cổ phần), Hancic sẽ… vay lại các cổ đông.

Cổ đông của một số công ty vẫn còn đang phải cho ý kiến về phương án chi trả cổ tức 2008 như DVCS, còn Ngân hàng Eximbank với thời gian dự kiến thực hiện chi tạm ứng cổ tức từ 31/12… cũng làm cổ đông càng dài cổ ngóng chờ.

“Tôi muốn nhận cổ tức trước 31/12 để né thuế thu nhập, nhưng với tốc độ như vậy chắc là không kịp”, một nhà đầu tư nói.

Cổ tức cao: lợi trước hại sau?

Theo nhiều chuyên gia, nếu không điều phối tốt, doanh nghiệp sẽ giảm tiềm lực tài chính, khả năng tăng trưởng kém. Chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao khiến nhiều cổ đông hưởng lợi, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động hiện nay.

Hơn nữa, một đặc điểm khác thể hiện trong báo cáo tài chính quý 3/2008 là không ít doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu khá lớn. Khi cần vốn, các doanh nghiệp này vẫn phải tìm đến nguồn vốn vay có chi phí cao, do vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Một nguy cơ khác, qua báo cáo quý 3, một số doanh nghiệp có thể đã phải bán đi một vài tài sản để có lợi nhuận.

Hồng Sương (SGTT)