Rung lắc mạnh nhờ HPG, dòng tiền tranh thủ bắt đáy
Thị trường có khoảng 45 phút rúng động đầu phiên chiều, khi nhà đầu tư phản ứng dữ dội với thông tin dự báo “kết quả kinh doanh thê thảm” của chủ tịch Hòa Phát tại đại hội cổ đông sáng nay. Một đợt xả lớn tràn ngập thị trường, nhưng đó cũng là lúc dòng tiền nhảy vào chớp cơ hội giá thấp...
Thị trường có khoảng 45 phút rúng động đầu phiên chiều, khi nhà đầu tư phản ứng dữ dội với thông tin dự báo “kết quả kinh doanh thê thảm” của chủ tịch Hòa Phát tại đại hội cổ đông sáng nay. Một đợt xả lớn tràn ngập thị trường, nhưng đó cũng là lúc dòng tiền nhảy vào chớp cơ hội giá thấp.
Đại hội cổ đông Hòa Phát đón nhận những phát ngôn bất ngờ và nhà đầu tư ngay lập tức bán tháo ồ ạt cổ phiếu HPG. Chỉ trong 45 phút tới hơn 20 triệu cổ phiếu HPG bị bán xuống tận giá sàn. Từ cuối phiên sáng HPG đã giảm 2,31%, nghĩa là trong 45 phút này giá rớt thêm 4,6% nữa.
HPG giảm quá sốc dĩ nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả nhóm cổ phiếu thép. HSG, NKG cũng bị xả tới tận giá sàn. Lực cầu bắt đáy ở các cổ phiếu này cũng khá tốt, đến cuối phiên hầu hết các mã này đã thoát đáy. Tuy vậy mức giảm vẫn còn rất lớn: HPG đóng cửa giảm 5,03% giao dịch 1.474,5 tỷ đồng, NKG giảm 5,5% giao dịch 271,5 tỷ, HSG giảm 4,49% thanh khoản 232,6 tỷ đồng.
Lực bán ở HPG cũng ảnh hưởng rất nhiều tới các cổ phiếu khác và vốn hóa mã này lớn trong VN30-Index. Chốt phiên sáng VN-Index có 189 mã tăng/212 mã giảm, thì thời điểm tạo đáy chiều nay khoảng 1h45, chỉ số còn 79 mã tăng/357 mã giảm. Nhóm VN30 cũng có 17 cổ phiếu tạo đáy sâu hơn trong phiên chiều. Ngoài HPG giảm sàn, BVH, KDH, PDR, POW, SSI cũng lao dốc 3-5% giá trị. VN30-Index giảm sâu nhất mất 1,03% so với tham chiếu.
Tuy nhiên ảnh hưởng của HPG chỉ mang tính ngắn hạn đối với các cổ phiếu khác. Khi giá đột nhiên lao dốc nặng, dòng tiền bắt đáy nhảy vào chớp cơ hội mua. Từ sau 2h lực mua bắt đầu thắng thế và hàng loạt cổ phiếu hồi giá lên, thậm chí nhóm cổ phiếu thép cũng được bắt đáy nhiều và thoát sàn.
Độ rộng cải thiện rất nhanh là bằng chứng rõ nhất của lực cầu kéo giá lên. VN-Index đến cuối phiên đã có 224 mã tăng/210 mã giảm, trở lại được trạng thái phân hóa cân bằng. VN30 đảo ngược tình thế, ghi nhận 26 mã tăng/4 mã giảm, với STB tăng kịch trần. VN30-Index kết phiên tăng 1,38%. Nhờ khả năng đảo chiều phục hồi và tăng mạnh của nhóm blue-chips, VN-Index cũng tăng 1,2% lúc đóng cửa.
Nhóm blue-chips tăng mạnh nhất rổ VN30 là STB kịch trần, SSI tăng 6,04%, MSN tăng 4,31%, CTG tăng 4%, VNM tăng 3,92%, PNJ tăng 3,25%, TPB tăng 3%. Tuy vậy, các cổ phiếu nâng đỡ VN-Index mạnh nhất là MSN, VCB, VNM, CTG, GAS, VPB.
Lực cầu bắt đáy chiều nay là khá ấn tượng, khi thanh khoản hai sàn niêm yết đạt gần 7.902 tỷ đồng, tăng 36% so với phiên sáng. Chiều nay tiếp tục là phiên chiều hiếm hoi mà giao dịch lớn hơn buổi sáng, đồng thời giá cải thiện rõ rệt. Đây là tín hiệu của lực cầu mua đã nâng giá lên và đuổi giá ở nhiều mã.
Biến động giá của cổ phiếu trở nên rất mạnh nhờ nhịp rung lắc dưới tác động của HPG. Đó cũng là cơ hội để nhà đầu tư lướt sóng mua thấp bán cao. Riêng trong rổ VN30, chỉ trong vài chục phút, hàng loạt cổ phiếu dao động tăng trên 3% đến kết phiên như GAS, HDB, VRE, BVH, GVR, MSN, PDR, PNJ, POW, VNM. Thậm chí như SSI còn biến động 11,7%, STB biến động 8,2%.
Thanh khoản trong nhóm VN30 tăng gần 11% so với hôm qua, đạt 5.001 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trên sàn này. Midcap giảm thanh khoản 2,5%, Smallcap giảm 20%. Trong Top 10 thanh khoản sàn HoSE, trừ HPG và NKG đóng cửa dưới tham chiếu, còn lại đều tăng 2%-6% giá trị so với tham chiếu.
Khối ngoại chiều nay cũng “chạy” ròng 126,8 tỷ đồng tại HPG, nhưng tổng lượng bán chiếm chưa tới 15% thanh khoản mã này. Nhà đầu tư trong nước vẫn là những người tháo chạy chủ đạo, đẩy thanh khoản của HPG lên mức cao nhất 7 phiên. VND, SSI cũng bị khối ngoại bán ròng thêm, lên mức 85,7 tỷ ròng và 72,2 tỷ ròng. Tuy vậy DCM, DPM, STB, TPB, CTG, DGC, VCB, HDB, VHM, VRE... đều được mua vào rất mạnh. Điều này giúp tổng vị thế cả phiên hôm nay của khối này vẫn là 191,2 tỷ đồng ròng trên HoSE.