Rung lắc nhẹ, cổ phiếu dầu khí, chứng khoán bùng nổ
Đà phục hồi đang đẩy thị trường đến ngưỡng kháng cự kỹ thuật có rủi ro chốt lời gia tăng, khiến giao dịch phiên đầu tuần rất thận trọng. Biến động giá xuất hiện liên tục, nhưng dòng tiền bắt giá thấp hoạt động tốt. Nhóm cổ phiếu dầu khí và chứng khoán đang tăng bùng nổ.
Đà phục hồi đang đẩy thị trường đến ngưỡng kháng cự kỹ thuật có rủi ro chốt lời gia tăng, khiến giao dịch phiên đầu tuần rất thận trọng. Biến động giá xuất hiện liên tục, nhưng dòng tiền bắt giá thấp hoạt động tốt. Nhóm cổ phiếu dầu khí và chứng khoán đang tăng bùng nổ.
Diễn biến đáng chú ý nhất dịp cuối tuần là giá dầu thế giới tăng đột biến sau khi các thành phố lớn của Trung Quốc nới lỏng phong tỏa. Dầu Brent thậm chí có lúc chạm 120 USD/thùng. Ngoài ra chứng khoán thế giới cũng có phiên cuối tuần tăng dữ dội và sáng nay tiếp tục tăng cao hơn.
Tuy nhiên thị trường trong nước lại khởi đầu khá thận trọng, khi VN-Index ngày càng tiến sát hơn ngưỡng 1.300 điểm, được coi là mốc cản kỹ thuật sẽ có nhiều nhà đầu tư chốt lời. VN-Index liên tục có các nhịp đánh võng trên dưới tham chiếu. Độ rộng của chỉ số này cũng thay đổi chóng mặt, từ chỗ số mã giảm giá nhiều gấp đôi số tăng ngay ít phút đầu tiên, tới trạng thái cân bằng ở những nhịp võng xuống vùng đỏ của VN-Index. Kết phiên chỉ số này lại vượt được 3,48 điểm tương đương 0,27% so với tham chiếu. Độ rộng ghi nhận 255 mã tăng/176 mã giảm.
Mặc dù cổ phiếu lẫn các chỉ số xanh đỏ liên tục, nhưng biên độ biến động giá lại không lớn. Ví dụ VN-Index giảm sâu nhất chỉ dưới tham chiếu 0,33%, VN30 giảm sâu nhất 0,47%, Midcap tạo đáy -0,24%, Smallcap -0,32%... Mức biến động này cho thấy rung lắc cũng rất nhẹ. Điều này cũng phù hợp với diễn biến ở độ rộng tổng thể trên sàn HoSE, khi chỉ có vài phút đầu tiên là số lượng cổ phiếu giảm giá vượt trội, sau đó hầu hết là cân bằng, thậm chí số mã tăng giá còn cải thiện dần.
Cổ phiếu chứng khoán đang tăng đều nhất khi nhìn theo nhóm ngành. Trên cả 3 sàn chỉ có vài mã đỏ như VUA, BMS, VIG, ART và DCS. Những mã này cũng không được dòng tiền chú ý. Ngược lại, nhóm VND, SSI thanh khoản thuộc Top 10 toàn thị trường và giá tăng mạnh tương ứng 2,86% và 1%. VCI cũng thuộc Top 20 thanh khoản, BSI, WSS, SHS, CTS, MBS, VIX, VDS, HBS, AGR, SBS... đều tăng trên 1%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sáng nay cũng tăng rất tốt nhờ lực đỡ từ giá dầu thế giới. Cả dầu Brent lẫn dầu WTI đều tiếp tục tăng và quay lại ngưỡng trên 116 USD/thùng. PVO, PVB đang tăng kịch trần, trong khi PVC tăng 9,29% sát mức trần PVS tăng 6,28%, PTV tăng 13,48%, BSR tăng 4,58%, PVD tăng 4,3%, OIL tăng 3,47%, PSH tăng 3,28%, PLX tăng 2,11%...
Đáng tiếc là cổ phiếu trụ GAS lại chỉ tăng 0,09%, không đủ để nâng đỡ VN-Index. Cổ phiếu này đầu phiên tăng 2,09% nhưng tụt giá dần. Tuy vậy, thiếu GAS càng khiến nhịp dao động của VN-Index sáng nay đúng tính chất của một phiên rung lắc hơn. Thực tế nhóm trụ đang thể hiện sự kìm giữ đà đi lên của các chỉ số, nhưng không giảm. VIC vẫn tăng nhẹ 0,26%, VHM tăng 0,14%, VCB tăng 0,52%, HPG tăng 0,28%, VPB tăng 0,16%...
VN30-Index duy trì độ rộng rất khá, với 20 mã tăng/10 mã giảm, nhưng chỉ số chỉ tăng 0,01%. Số ít cổ phiếu tăng tốt nhất rổ đều là các mã trung bình: VJC tăng 3,46%, STB tăng 2,7%, POW tăng 1,87%, BVH tăng 1,12%... Trạng thái tăng nhẹ cũng diễn ra chung trên thị trường, khi độ rộng thì tốt, nhưng không có nhóm nào quá xuất sắc: HoSE có 11 mã kịch trần, 57 mã tăng trên 2%, 56 mã tăng trên 1%... Các mã kịch trần đều là nhóm đầu cơ nhỏ và thanh khoản thấp.
Với hiện tượng phân hóa ngày càng rõ thì cũng không có nhóm cổ phiếu nào tăng toàn bộ, chỉ là các cổ phiếu mạnh yếu khác nhau nhờ cung cầu cụ thể, thậm chí ngay trong một ngành. Cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhiều mã tăng nhưng cũng tới cả chục mã giảm.
Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay cũng tụt giảm khoảng 7% so với phiên trước, đạt 7.984 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm 10%, đạt 6.947 tỷ đồng. Thanh khoản thấp trong bối cảnh thị trường rung lắc liên tục không phải là điều xấu. Nhà đầu tư vẫn chưa có ý định chốt lời ngắn hạn nhiều.
Khối ngoại sáng nay giao dịch thỏa thuận đột biến 1149,3 tỷ đồng ròng với chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Dù vậy ngay cả khi không tính giao dịch này thì khối ngoại vẫn mua ròng khoảng 454,3 tỷ đồng với cổ phiếu tại HoSE. FPT được mua ròng cực mạnh 362,5 tỷ đồng ròng. Nhóm STB, HPG, MIG cũng được mua ròng rốt. Bán ròng đáng kể chỉ có GAS -10,7 tỷ đồng. Tính chung HoSE đang được rót ròng 1.603,6 tỷ đồng.