Rung lắc, VN-Index vẫn trụ vững trên mốc 1240 điểm
Sức ép tiếp tục kiềm chế giao dịch trong phiên chiều, thậm chí có lúc đẩy VN-Index giảm xuống mức 1240,91 điểm. Tuy nhiên khả năng cân bằng từ dòng tiền mua vào vẫn khá tốt, giữ cho các biến động chỉ mang tính rung lắc nhẹ trên nền thanh khoản rất thấp...
Sức ép tiếp tục kiềm chế giao dịch trong phiên chiều, thậm chí có lúc đẩy VN-Index giảm xuống mức 1240,91 điểm. Tuy nhiên khả năng cân bằng từ dòng tiền mua vào vẫn khá tốt, giữ cho các biến động chỉ mang tính rung lắc nhẹ trên nền thanh khoản rất thấp.
VN-Index đóng cửa nhích nhẹ trên tham chiếu 0,14 điểm, đạt 1242,11 điểm, nhưng độ rộng khá tốt với 193 mã tăng/181 mã giảm. Chỉ số giảm chạm đáy lúc 2h15, để mất hơn 1 điểm, độ rộng ghi nhận 134 mã tăng/224 mã giảm. Đây là thời điểm thị trường yếu nhất, áp lực bán thể hiện tác động rõ nhất. Tuy vậy biên độ giảm rất nhẹ cho thấy chênh lệch cung cầu chỉ mang tính thời điểm. Kết phiên, độ rộng quay lại tích cực với trạng thái giằng co tích cực.
Thực ra VN-Index đã có thể phục hồi tốt hơn nếu không bị ảnh hưởng bởi một số trụ. VHM trong đợt ATC xuất hiện giao dịch khá lớn ép giá lùi thêm 2 bước, thành giảm 1,91% so với tham chiếu. Chỉ riêng VHM đã lấy đi 0,9 điểm khỏi chỉ số. BID và SAB là hai blue-chips khác đóng cửa giá thấp nhất ngày, giảm tương ứng 0,54% và 1,07%. Phần còn lại của rổ VN30 cơ bản vẫn chỉ là dao động nhỏ. Chỉ số đại diện rổ này kết phiên tăng 0,04% với 12 mã tăng/15 mã giảm.
Dù vậy không thể phủ nhận rằng mặt bằng giá nhóm blue-chips đã suy yếu. Thống kê có tới 17/30 mã trong rổ giảm giá so với thời điểm chốt phiên sáng, chỉ 8 mã có cải thiện. VCB, VHM, VIC, BID, VNM, GAS, HPG đều nằm trong nhóm tụt giá và đều là các cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa thị trường. Chốt phiên sáng rổ VN30 có 12 mã tăng/8 mã giảm, như vậy có 7 cổ phiếu lùi giá đủ nhiều để rơi qua tham chiếu. Điểm tốt là dù đỏ, biên độ giảm cũng không mạnh. Trừ VHM và SAB các cổ phiếu giảm giá khác đều không đáng kể.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, số lượng cổ phiếu giá tăng biên độ điều chỉnh cũng không nhiều. Cuối phiên sáng sàn này có 45 cổ phiếu giảm trên 1% thì đóng cửa cũng chỉ là 48 mã. Dĩ nhiên độ rộng thì kém đi, còn 193 mã tăng/181 mã giảm so với 182 mã tăng/155 mã giảm. Vài chục cổ phiếu lọt xuống vùng đỏ không phải là nhiều so với hàng trăm cổ phiếu có giao dịch.
Trong 48 cổ phiếu rơi sâu nhất hôm nay chỉ 8 mã đạt giao dịch quá 10 tỷ đồng. VHM dĩ nhiên dẫn đầu về thanh khoản nhóm này, đạt 270,5 tỷ đồng. Ngoài ra có HDG giảm 1,03% khớp 97,4 tỷ; CSV giảm 1,07% với 59,6 tỷ; VOS giảm 1,29% với 28,5 tỷ; SAB giảm 1,07% với 19,2 tỷ; DPG giảm 1,16% với 18,2 tỷ; NO1 giảm 6,96% với 15,5 tỷ và ANV giảm 1,65% với 15 tỷ. Thực ra mức giao dịch này cũng khó có thể nói là “bán tháo”. Có thể dòng tiền mua quá yếu nên biên độ giảm giá mới mạnh như vậy trên nền thanh khoản vài chục tỷ đồng.
Phía tăng giá chiều nay bất ngờ lại mạnh hơn và sôi đông hơn. Trong 193 mã xanh có 67 mã tăng hơn 1% (phiên sáng là 46 mã). Khá nhiều cổ phiếu thanh khoản cao như VIB, FRT, ORS, VTP, GEX đều khớp trên trăm tỷ đồng. Nhóm tầm trung có BAF, HAG, DBD, CSM, NLG, EVG… cũng giao dịch khá mạnh và giá rất khỏe. Tính chung nhóm tăng khá nhất này chiếm 15,3% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Toàn bộ nhóm tăng giá chiếm khoảng 51% giao dịch cả sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều đã giải ngân tốt hơn, mua trên HoSE tăng 29% so với buổi sáng đạt 658 tỷ đồng trong khi bán ra giảm 5% còn 545,9 tỷ. Mức ròng đạt 112,1 tỷ đồng, đảo ngược con số bán ròng 63,8 tỷ đồng của phiên sáng. FPT vẫn được mua ròng nhiều nhất với 228,3 tỷ, MSN +77,4 tỷ, DGC +37,2 tỷ, DXG +27,5 tỷ, TCB +25,9 tỷ. Phía bán ròng có SSI -70,8 tỷ, HDB -67,9 tỷ, VCB -60,5 tỷ, VIB -379 tỷ, STB -33,8 tỷ, EIB -25,6 tỷ, VRE -25,2 tỷ, CMG -24 tỷ.
VN-Index không giảm hôm nay nhưng biên độ trượt giá trong phiên khoảng 8,4 điểm là khá lớn. Hai phiên liền trước chỉ số cũng bị ép xuống nhưng biên độ nhỏ hơn nhiều. Liên tiếp các diễn biến như vậy xác nhận thị trường có lực bán chốt lời, chỉ là chưa đủ nhiều để đảo chiều giá.