07:00 25/04/2022

Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần: Khi người lao động sống được bằng lương

Thu Hằng

Nếu người lao động có việc làm bền vững, và tiền lương đảm bảo thì họ sẽ không nghĩ đến việc nhận bảo hiểm xã hội một lần. Về mặt tổng thể, cần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động, để họ sống được bằng lương…

 Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Số người nhận bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2022 đã được các cơ quan cảnh báo là thực tế đáng lo ngại. Phỏng vấn ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xung quanh câu chuyện này. 

Thực trạng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phía Nam, điều này có liên quan đến thu nhập hay tiền lương thấp không, thưa ông?

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần không chỉ diễn ra gần đây mà ngay từ những năm 2016 đã rất đáng báo động. Những năm đó, theo thống kê của chúng tôi mỗi năm có trên 500.000 người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, nghĩa là cứ khoảng hai người tham gia bảo hiểm xã hội thì có một người rời khỏi hệ thống. Những năm gần đây, tình trạng này càng tăng cao hơn, nhất là các năm 2019, 2020, 2021, gần như số tham gia bằng số rút khỏi bảo hiểm xã hội.

Những tháng đầu năm 2022, tình trạng này còn tăng cao hơn và càng đáng báo động. Việc rút bảo hiểm xã hội một lần trước hết tác động đến quyền lợi trực tiếp của người tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước là hướng đến bảo hiểm xã hội toàn dân, đảm bảo chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Có rất nhiều nguyên nhân. Về mặt tổng thể, đúng là tiền lương và thu nhập của người lao động rất thấp, hầu hết chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, khi gặp rủi ro, mất việc làm thì gần như không có tích lũy. Vì vậy, nhiều trường hợp khi chúng tôi tiếp cận họ nói rằng do cuộc sống quá khó khăn nên chấp nhận rút bảo hiểm xã hội một lần.

Nguyên nhân thứ hai là vì người lao động chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của các chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí. Việc tuyên truyền của chúng ta cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy rất nhiều người lao động không thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội về lâu dài, cũng như tác hại của rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tiếp nữa, các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung cũng còn những bất cập, chưa đảm bảo tính hấp dẫn, linh hoạt, do đó không tạo được niềm tin cho người lao động. Ví dụ, điều kiện để hưởng hưu trí cũng rất khắt khe, đó là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm, quy định về các chính sách hưởng lương hưu thiết kế theo nguyên tắc đóng – hưởng nên rất nhiều người nhận lương hưu thấp.

Chưa kể, nhiều trường hợp người sử dụng lao động nợ lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội, khi doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì hệ quả đổ lên đầu người lao động, làm cho họ không yên tâm với chính sách, thậm chí không còn niềm tin. Cho nên lúc khó khăn như vậy dẫn đến việc nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Những tháng đầu năm nay, tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam tình trạng này tăng đột biến, do còn trùng với “điểm rơi”. Đó là theo quy định của pháp luật, người lao động chỉ cần nghỉ việc sau một năm, nếu có nguyện vọng thì được làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần. Thời điểm này đúng là khoảng một năm khi nhiều người do dịch Covid-19 phải nghỉ việc, mất việc làm. Tóm lại, có rất nhiều yếu tố tác động như vậy.

Có ý kiến cho rằng điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần hiện nay còn dễ dàng, cần siết chặt hơn quy định này để giảm tỷ lệ người nhận bảo hiểm xã hội một lần, quan điểm của ông về vấn đề này, thưa ông ?

Đúng là trong quá trình hoàn thiện chính sách, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến cho rằng thủ tục hưởng còn đơn giản. Tuy nhiên, thực tế Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định khá chặt chẽ về vấn đề này, sau đó còn có Nghị quyết 93 nữa.

Tôi nghĩ rằng, sửa chính sách an sinh liên quan đến đời sống người lao động phải hết sức cân nhắc, có lộ trình, tránh tạo ra những cú sốc hoặc bất ổn cho xã hội. Mọi ý kiến sẽ được các cơ quan trong quá trình hoàn thiện luật xem xét, cân nhắc để có cách nhìn tổng thể nhất. Mỗi chính sách đưa ra đều cần đánh giá tác động cả tích cực và tiêu cực, xem xét phù hợp, nhưng một trong những nguyên tắc mà chúng tôi tâm đắc là sửa gì nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng đáng báo động. Ảnh - Nhật Dương. 
Số người rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng đáng báo động. Ảnh - Nhật Dương. 

Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cũng được cho là có nguyên nhân từ việc thời gian đóng để hưởng lương hưu khá dài, vì vậy được biết hướng sửa đổi sắp tới là giảm dần số năm đóng từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm được hưởng lương hưu. Nếu tính trên số năm đóng góp thì mức lương hưu có thể rất thấp, theo ông cần điều kiện gì để đảm bảo mức sống cho người lao động?

Theo tôi, trong vấn đề này phải sửa đổi đồng bộ nhiều chính sách. Không chỉ hướng đến việc có thể giảm năm đóng, mà hiện chế độ hưởng lương hưu đang nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, do đó cần sửa cả cách tính lương hưu để người về hưu phải đảm bảo được đời sống.

Cũng do nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nên thực tế một bộ phận người hưởng lương hưu rất cao, song số khác lại nhận rất thấp, thậm chí thấp hơn mức lương cơ sở, đa số rơi vào nhóm lao động trực tiếp. Đặc biệt sau nhiều lần điều chỉnh lương hưu, khoảng cách này càng xa, cho nên sắp tới sửa luật cần tính yếu tố này đến để giảm khoảng cách chênh lệch lương hưu.

Chúng tôi đồng tình với chủ trương giảm năm đóng để hưởng lương hưu, nhưng phải thiết kế cách tính lương hưu làm sao để người tham gia, nhất là lao động trực tiếp có mức lương thấp đảm bảo cuộc sống, tránh phân hóa lớn như hiện nay trong chính sách về lương hưu.

Vậy theo ông, tựu chung lại cần giải pháp gì để hạn chế được tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần?

Về mặt tổng thể, tôi cho rằng cần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động, để họ sống được bằng lương. Quan tâm đến người lao động là quan tâm đến nguồn nhân lực, từ đó tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn, khi xảy ra sự cố ít nhất họ có một khoản tích lũy để duy trì cuộc sống.

Về mặt quy định của pháp luật, cần thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là đa dạng, linh hoạt tạo ra sự hấp dẫn, niềm tin cho người lao động. Ví dụ, khi mất việc có chính sách bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt hơn, hay có cơ chế cho ứng trước một khoản tiền từ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông để người lao động nắm rõ các chính sách về chế độ an sinh xã hội, đặc biệt là vai trò của bảo hiểm xã hội, từ đó có những hành xử phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, cân nhắc không chạy theo phong trào hay tâm lý đám đông, thấy nhiều người nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mình cũng rút theo. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuân thủ các chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, từ đó tạo ra niềm tin cho người lao động, bởi chắc chắn khi không còn tin vào hệ thống người lao động sẽ rời đi. Hơn hết, phải có cơ chế chăm lo cho người lao động về cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm nữa là bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động, lâu nay chúng ta thường chú ý đến chính sách bảo hiểm xã hội nhưng rõ ràng nếu người lao động có việc làm bền vững, môi trường làm việc tốt, thu nhập đảm bảo thì không bao giờ họ nghĩ đến chuyện rời khỏi hệ thống bằng nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tổng thể cần nhiều chính sách như vậy mới giải quyết được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.