20:19 21/10/2020

Rút ròng vốn, chỉ tiêu trả nợ nước ngoài/xuất khẩu dự kiến vượt ngưỡng 25% của Quốc hội

Bạch Huệ

Riêng chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 25% chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tăng mạnh

Một dự án đầu tư công lớn của Chính phủ bị chậm tiến độ
Một dự án đầu tư công lớn của Chính phủ bị chậm tiến độ

Chính phủ đã có báo cáo tình hình nợ công năm 2020 và dự kiến đến năm 2021 gửi tới các Đại biểu Quốc hội khoá XIV.

Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng bội chi ngân sách năm 2020 so với dự toán đã được thông qua (không quá 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP). Trường hợp Quốc hội phê duyệt tăng bội chi năm 2020, Chính phủ sẽ tính toán khối lượng vay tăng thêm từ các nguồn trong nước, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

9 THÁNG ĐẦU NĂM KÝ 9 HIỆP ĐỊNH VAY VỐN NƯỚC NGOÀI

Về huy động vốn vay nước ngoài của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2020, Chính phủ đã ký kết 9 hiệp định vay vốn nước ngoài trị giá khoảng 957 triệu USD; rút vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.412 triệu USD (tương đương khoảng 32.721 tỷ đồng, đạt 30,5% kế hoạch cả năm), trong đó cấp phát khoảng 940 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 473 triệu USD.

Tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020 khoảng 241.375 tỷ đồng (tương đương với 65,8% kế hoạch cả năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 180.950 tỷ đồng (trả gốc 108.533 tỷ đồng, trả lãi và phí 72.417 tỷ đồng), trả nợ nước ngoài 60.425 tỷ đồng (trả gốc 50.226 tỷ đồng, trả lãi 10.199 tỷ đồng).

"Việc thực hiện nghĩa vụ các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Bên cạnh đó, việc thực hiện trả nợ của Chính phủ cả năm 2020 có thể thấp hơn so với dự toán chủ yếu do vận động thành công việc lùi thời điểm áp dụng điều khoản trả nợ nhanh vốn IDA vay Ngân hàng Thế giới đến 1/7/2021; diễn biến tỷ giá tiền VND so với các ngoại tệ chính tương đối ổn định và mặt bằng lãi suất trên thị trường vốn quốc tế hiện duy trì ở mức thấp kỷ lục trước tác động của đại dịch Covid-19", báo cáo đánh giá. 

Về nợ được Chính phủ bảo lãnh vẫn trong hạn mức cho phép. Dự kiến đến hết năm 2020, không có dự án nào giải ngân, trả nợ gốc khoảng 806 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 2.206 tỷ đồng (trả nợ ròng 806 tỷ đồng, không sử dụng hạn mức bảo lãnh vay được cho phép theo đó số rút vốn không vượt quá số trả nợ gốc). Dự kiến dư nợ đến cuối năm 2020 khoảng 24.613 tỷ đồng.

Riêng về bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ cho các dự án Chính phủ dự kiến rút vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp được bảo lãnh khoảng 7.177 tỷ đồng, trả nợ gốc 36.861 tỷ đồng, trả nợ lãi 10.102 tỷ đồng (trả nợ ròng khoảng 29.684 tỷ đồng), vì vậy không sử dụng hạn mức bảo lãnh vay được Chính phủ cho phép (số rút vốn không vượt quá số trả nợ gốc). Dự kiến dư nợ đến cuối năm 2020 khoảng 200.049 tỷ đồng.

RÚT RÒNG VỐN, TRUNG-DÀI HẠN VƯỢT 5 tỷ USD NĂM 2020

Nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay theo phương thức tự vay, tự trả.

Về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả, theo báo cáo của Chính phủ, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam và thế giới, dự báo mức rút vốn ròng trung, dài hạn cả năm 2020 có thể ở mức 5.000-5.500 triệu USD, nằm trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tối đa là 6.090 triệu USD. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn dự kiến trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ cho phép (16-18%/năm so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2019).

Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2020 dự kiến tăng lên mức khoảng 47,9% GDP (so với mức 47,1% của năm 2019) chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến; quy mô vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng nhanh (từ 25% GDP năm 2019 lên khoảng 27,3% GDP cuối năm 2020); trong khi nợ nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm từ mức 22,1% GDP năm 2019 còn khoảng 20,7% GDP cuối năm 2020. 

Về trả nợ nước ngoài của quốc gia, dự báo chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2020 có thể lên mức 34,6% (so với giới hạn được Quốc hội cho phép là 25%), chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tiếp tục tăng mạnh (tính riêng nghĩa vụ trả nợ các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp đã lên tới 28,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ). 

Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống, tuy vậy cần có đánh giá rủi ro để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Dự kiến các chỉ tiêu nợ đến ngày 31/12/2020, nợ công khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách ước khoảng 24,1%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP; trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ khoảng 34,6%.

Theo Chính phủ, đến cuối năm 2020 về cơ bản dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép; riêng chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 25% chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tăng mạnh, cần có biện pháp kiểm soát dòng tiền để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.