06:00 31/08/2021

Sản phẩm công nghệ cao phải đáp ứng nhu cầu thực tế

Vũ Khuê

Đến năm 2030, Việt Nam làm chủ một số công nghệ cao, hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đưa vào ứng dụng trong sản xuất làm gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao…

Chương trình đặt mục tiêu phát triển và làm chủ một số công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm.
Chương trình đặt mục tiêu phát triển và làm chủ một số công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 1992/QĐ-BCT phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Chương trình) thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

Quyết định 1992 nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung của Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ CAO

Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2020, một số dự án công nghệ cao đã thành công, giúp doanh nghiệp nhanh chóng làm chủ các công nghệ cao tiên tiến trên thế giới, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội tích cực.

Cụ thể, làm chủ công nghệ sản xuất sợi thuỷ tinh thông tin quang, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hội chẩn y tế từ xa và kết nối liên thông dữ liệu các bệnh viện, ứng dụng công nghệ cao trong y sinh hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh ở người…

Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, Chính phủ đã thực hiện nhiều quyết sách nhằm tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo sự phát triển khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực bắt nhịp với tốc độ phát triển khu vực và thế giới. Trong đó có việc ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. 

Nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 130, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1992/QĐ-BCT phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao

Trong giai đoạn mới, Chương trình được xác định sẽ tiếp tục kế thừa, phát triển hơn nữa các thành quả khoa học công nghệ trước đó, đồng thời triển khai các nhiệm vụ, dự án bám sát vào yêu cầu thực tiễn của ngành Công Thương và đất nước trong bối cảnh tham gia sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, triển khai thành công ít nhất 30 dự án công nghệ cao ứng dụng trong công nghiệp, có tính lan toả về mặt khoa học công nghệ và kinh tế-xã hội.

Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu phát triển và làm chủ một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong Danh mục sản phẩm được khuyến khích phát triển, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong đó, tập trung định hướng ưu tiên phát triển các lĩnh vực có nhiều ưu thế cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gồm: công nghiệp năng lượng, công nghiệp sinh học, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp điện tử - công nghệ số, công nghiệp chế tạo và tự động hoá.

Góp phần xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao; hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ sẽ tổ chức lồng ghép các nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao trong các chương trình khoahọc và công nghệ các cấp đã được giao.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế trọng điểm để nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệplần thứ 4 phù hợp với định hướng danh mục công nghệ được ưu tiên và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

100% DỰ ÁN PHẢI XUẤT PHÁT TỪ NHU CẦU

Về chỉ tiêu đánh giá, Chương trình đặt ra các chỉ tiêu đánh giá cụ thể bao gồm chỉ tiêu về ứng dụng và chỉ tiêu về trình độ khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ và đào tạo.

 
Tối thiểu 70% đề tài, dự án có vốn đối ứng ngoài ngân sách và không dưới 70% đề tài, dự án đủ điều kiện trở thành sản phẩm thương mại, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường.

Với chỉ tiêu ứng dụng, yêu cầu 100% dự án tham gia phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, do doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp và được ứng dụng, thử nghiệm tại doanh nghiệp.

Chỉ tiêu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ và đào tạo đặt ra yêu cầu tối thiểu 70% công nghệ đạt chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật tương đương với công nghệ tiên tiến các nước trong khu vực hoặc trên thế giới.

Ngoài ra, ít nhất 80% đề tài, dự án phải được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ uy tín trong nước hoặc quốc tế. Đồng thời không dưới 60% đề tài, dự án phải được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Hòa cho biết, trong quá trình thực hiện, Vụ Khoa học và Công nghệ với vai trò được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ quản lý tổ chức sẽ tạo điều kiện tối đa để các đơn vị đăng ký tham gia, hướng dẫn đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình thủ tục.

Đồng thời, Vụ cũng sẽ thúc đẩy, giúp kết nối doanh nghiệp và các viện, trường, cơ sở nghiên cứu để đảm bảo các nhiệm vụ, dự án có sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học - sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao vượt trội, có sức cạnh tranh trên thị trường, theo đúng mục tiêu và định hướng đã đề ra.