10:22 01/07/2022

Sản xuất và cung ứng điện còn “lệch pha” do thiếu Luật Năng lượng

Chu Khôi

Phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại khoảng cách lớn giữa năng lượng “cần được” huy động và năng lượng “có thể” huy động. Chính vì việc Việt Nam còn thiếu 2 luật quan trọng là Luật Năng lượng và Luật Năng lượng tái tạo, dẫn đến sự phát triển mất cân xứng, lệch pha giữa các khâu sản xuất, truyền dẫn và tiêu thụ điện…

Phát triển năng lượng tái tạo nảy sinh nhiều vấn đề, cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Phát triển năng lượng tái tạo nảy sinh nhiều vấn đề, cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Nhận định được các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nêu lên tại buổi gặp gỡ giữa GIZ và các cơ quan báo chí Việt Nam, ngày 30/6/2022.  

Theo GIZ, Chương trình hỗ trợ năng lượng (ESP) với sự hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và GIZ đã và đang góp phần thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.

NHIỆT ĐIỆN THAN SẼ KHÓ TIẾP CẬN NGUỒN VỐN

Chương trình ESP với nhiều dự án nâng cấp và chuyển dịch đảm bảo an ninh năng lượng và năng lượng sạch của Việt Nam. Cụ thể bao gồm các dự án: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (4E), 2015 – 2023; Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE), 2017 – 2021; Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM), 2019-2023;  Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (CIRTS), 2021 – 2025; Hệ thống sản xuất tích hợp nuôi trồng thủy sản và năng lượng mặt trời cho hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên (SHRIMPS), 2017 – 2023); Năng lượng sạch, giá cả hợp lý và an ninh năng lượng cho khu vực Đông Nam Á (CASE), 2020-2024; Chương trình Phát triển Dự án (PDP), 2011 – 2023; Hỗ trợ Mở rộng quy mô Điện gió tại Việt Nam (DKTI WIND), 2014 – 2018.

Ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ Cao cấp Dự án 4E, cho biết khi thiết kế lộ trình chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam, GIZ hướng đến hiện thực hóa chuyển dịch năng lượng theo hướng tổng hòa các chính sách gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

“Hiện nay, giá năng lượng tái tạo đã rẻ và có sự cạnh tranh hơn nhiều so với trước. Các quốc gia đang phát triển cần tìm ra những con đường đi riêng cho mình”, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

 

“Đặc biệt là cam kết của các ông lớn bảo hiểm trên thế giới về tái bảo hiểm khi hơn 47% công ty bảo hiểm sẽ không cấp tái bảo hiểm cho nhiệt điện than. Khi không có bảo hiểm sẽ không có nguồn vốn, buộc các công ty phải thay đổi nguồn năng lượng”.

Ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ Cao cấp Dự án 4E. 

Ông Dũng cho rằng, thuế carbon sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Và cũng cho biết, Trung Quốc đã ngừng cấp vốn cho nhiệt điện than, mà nhiệt điện than Việt Nam lại dựa vào Trung Quốc khá nhiều. "Một yếu tố không thể thiếu là cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở COP26 trở thành động lực và quyết tâm thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng chuyển dịch năng lượng", ông Dũng nói. 

Bổ sung thêm về vấn đề này, Bà Vũ Chi Mai, Quản lý Dự án “Năng lượng sạch, Giá cả phù hợp và Bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á” (CASE), chia sẻ năm 2020, những đầu tư tài chính từ khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam tăng lên mức đột phá.

“Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu tập trung ổn định năng lượng than, yêu cầu đặt ra là cần đảm bảo nguyên liệu đầu vào như thế nào để có sự ổn định. Chúng ta quen với việc dùng năng lượng dự trữ nhưng tính chất của dự trữ là sẽ hết khi sử dụng cạn kiệt, nhưng khi dịch chuyển sang năng lượng tái tạo thì hình thành được vòng tuần hoàn”, bà Mai nêu rõ.

LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH ỨNG DỤNG INTENET VẠN VẬT

Khẳng định điện mặt trời phát triển sôi động thời gian qua, nhưng bà Vũ Chi Mai chỉ ra rằng điện mặt trời cũng đang gây ra nhiều vấn đề, đặt ra yêu cầu điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp.

“Mặc dù năng lượng mặt trời tạo ra năng lượng sạch, tái tạo và bền vững, nhưng quá trình sản xuất các thiết bị có thể gây hại cho môi trường và kèm theo phát thải các-bon và khí nhà kính, đốt nhiên liệu hóa thạch, chất thải nhựa và sử dụng các vật liệu độc hại”, bà mai nói.

Bà Mai nêu lên những khó khăn, thách thức của việc phát triển kinh tế năng lượng ở Việt Nam. Đó là, hạ tầng lưới ở Việt Nam chưa phát triển nhanh, dẫn đến hạn chế khiến các tổ chức không thể phát triển tối đa kinh tế năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia của GIZ trao đổi thông tin với báo chí.
Các chuyên gia của GIZ trao đổi thông tin với báo chí.

Là một trong những dự án của Chương trình ESP đã ghi dấu ấn trên con đường chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, Lưới điện thông minh đang được triển khai xây dựng ở Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng thông minh, hoàn chỉnh, sánh ngang với các quốc gia tiên tiến ở ASEAN.

Chia sẻ rõ hơn về dự án, ông Dương Mạnh Cường, cán bộ Cao cấp dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE), cho biết Lưới điện thông minh là hệ thống điện lưới có phương thức trao đổi hai chiều, cho phép trao đổi điện và thông tin theo cả hai hướng giữa các công ty điện lực và người tiêu dùng. Sáng kiến này cho phép tích hợp trên quy mô lớn các dạng năng lượng tái tạo trở nên hiệu quả, đáng tin cậy, an toàn và bền vững.

 

"Từ sau 2022, lưới điện thông minh của Việt Nam dự kiến sẽ ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để mang lại hiệu quả năng lượng, giúp Việt Nam tiến tới các mục tiêu trên".

Ông Dương Mạnh Cường, cán bộ Cao cấp dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE).

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu phát triển Lưới điện thông minh để đảm bảo độ tin cậy và an ninh của nguồn cung năng lượng quốc gia và giúp đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 15% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.

Theo ông Dương Mạnh Cường, những thành tựu tiêu biểu sau 5 năm thực hiện dự án SGREEE tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Hoàn thiện khung Pháp lý, Nâng cao và Phát triển năng lực, Hợp tác công nghệ.

Dự án đã nghiên cứu mã code để phát năng lượng cho toàn mạng lưới điện nhanh hơn; đã thúc đẩy điều chỉnh phụ tải điện bằng cách thiết kế các cơ chế dựa trên giá và dựa trên ưu đãi phù hợp cho Việt Nam, đó là nghiên cứu biểu giá CPP - tăng giá theo giờ.

Ông Dương Mạnh Cường nhận định: "Việt Nam còn thiếu 2 luật quan trọng là Luật Năng lượng và Luật Năng lượng tái tạo. Dẫn đến các chính sách điều hành phát triển ngành điện còn có tình trạng “giật cục”, bất hợp lý giữa nhiệt điện than, điện mặt trời, điện gió. Hiện còn tồn tại khoảng cách lớn giữa năng lượng “cần được” huy động và năng lượng “có thể” huy động, dẫn đến lệch pha giữa các khâu sản xuất, truyền dẫn và tiêu thụ điện".

Các chuyên gia GIZ khuyến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam cần rà soát và đề xuất cập nhật lộ trình phát triển lưới điện thông minh kết hợp chỉ số lưới điện thông minh. GIZ đề xuất bộ tiêu chí để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương tham khảo để xây dựng một bộ chỉ số lưới điện thông minh và áp dụng cho các tổng công ty điện lực.

Bộ tiêu chí đưa ra 8 tiêu chí, bao gồm: năng lượng xanh, thị trường năng lượng, độ tin cậy nguồn cung, phân tích dữ liệu, giám sát và điều khiển, sự hài lòng của khách hàng, an ninh mạng và tích hợp nguồn năng lượng phân tán.