06:57 23/06/2022

Điện mặt trời áp mái đối mặt với 7 thách thức lớn

Minh Hà

Việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, nhất là trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may…

Tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải phát phát triển”  diễn ra chiều 22/6, tại TP.HCM.
Tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải phát phát triển” diễn ra chiều 22/6, tại TP.HCM.

Lợi ích của việc sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái là khá rõ ràng, song tại tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải phát phát triển” diễn ra vào chiều 22/6 tại TP.HCM, các đại biểu cho rằng, hiện nay những vướng mắc, bất cập về chính sách đang gây bất lợi cho doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà.

VẪN CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI

Trước thực trạng giá dầu tăng rất mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ucraina, biến đổi khí hậu đang xảy ra hết sức khốc liệt ở châu Âu, Mỹ, đặc biệt là tại Ấn Độ. Đứng trước thực trạng đó, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cũng đã có cam kết rất mạnh mẽ đến năm 2050 giảm phát thải khí nhà kính về 0. Cam kết này đã được nhiều nước trên thế giới đánh giá rất cao.

 

"Một tiêu chí mà chúng ta đang áp dụng đó là “sản xuất xanh”. Đây cũng là xu hướng mà thế giới đang hướng tới, nhất là trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may… Do đó, việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu."

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tại Việt Nam trong những năm qua, Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp cũng đã ý thức việc thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế năng lượng hóa thạch và chuyển dần sang việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, khi Chính phủ có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg năm 2017 và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg năm 2020, đây là cú hích rất lớn để tạo đà cho việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết việc phát triển điện mặt trời áp mái đã giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi giá năng lượng đang tăng rất cao và nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới. Chính từ những biện pháp mạnh mẽ đó, trong những năm qua, năng lượng mặt trời đã phát triển rất mạnh.

"Một tiêu chí mà chúng ta đang áp dụng đó là “sản xuất xanh”, đây cũng là xu hướng mà thế giới đang hướng tới, nhất là trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may…Do đó, việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu", ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông  Thành cũng cho rằng, vẫn còn nhiều trở ngại mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà cung ứng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà đang gặp vướng mắc như về Giấy phép, phòng cháy chữa cháy…dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

THIẾU NHỮNG QUY ĐỊNH RÕ RÀNG

Tại tọa đàm, ông Đào Du Dương, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP.HCM khẳng định, lợi ích mang lại cho cộng đồng của điện mặt trời là khá rõ ràng. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện triển khai có nhiều vướng mắc. Đặc biệt là vấn đề xử lý rác thải,  xử lý các tấm pin đã hết hạn sử dụng. Đây sẽ là một vấn đề lớn trong tương lai gần. Ông Dương liệt kê ra 7 vướng mắc lớn: 

Thứ nhất, điều kiện lắp đặt cho điện mặt trời vẫn chưa có quy định rõ ràng. Hiện nay những thẩm định về tiêu chuẩn, tính hợp pháp là vẫn chưa rõ, và đa phần mang tính tự phát. Điều đó dẫn đến chi phí thẩm định lớn, ước tính khoảng từ 300-500 triệu. Những quy định về trách nhiệm khi xảy ra sự cố vẫn chưa rõ, mặc dù đây là điều rất quan trọng khi làm điện áp mái.

Thứ hai, thiếu tính nhất quán và quy định xuyên suốt. Chi phí để thực hiện, cấp phép không phải là nhỏ nhưng hiện nay mỗi nơi, mỗi địa phương làm khác nhau. Một số doanh nghiệp vẫn còn lúng túng do vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này cần cụ thể rõ, thủ tục tránh nhiêu khê.

Thứ ba, vấn đề phòng cháy chữa cháy. Hiện nhiều doanh nghiệp đang phải làm hồ sơ rất khó khăn. Cũng rất mong các thủ tục rõ ràng và thuận tiện hơn.

Thứ tư, vấn đề nghiệm thu các chủ đầu tư. Nên định kỳ có đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra, đưa ra các ý kiến, kiến nghị để doanh nghiệp đỡ bị nhiêu khê. Và cũng nên có đầu mối, đường dây nóng để nhận ý kiến và đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp. 

Thứ năm, cần phải có quy định về tiêu chí lắp đặt. Thời gian vừa qua có hiện tượng ồ ạt lắp đặt điện mặt trời mái nhà, khiến bị đội giá thành, chất lượng công trình chưa đảm bảo.

Thứ sáu, cần có định nghĩa về “tự dùng”. Các khái niệm, định nghĩa về “pin năng lượng”, “tự dùng” nên rõ ràng hơn, phù hợp với thực tế hơn để có một thái độ đúng hơn.

Thứ bảy, cần những kênh cung cấp những thông tin chính thống, chính xác. Hiện nay Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đang thành lập 1 ban kỹ thuật về lắp đặt, quản lý bảo hành, bảo trì, đồng thời cũng đang biên soạn một bộ hướng dẫn kỹ thuật, bảo hành bảo trì và hy vọng sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngành này.

Về việc đầu tư năng lượng mặt trời, ông Trần Ngọc Long, Giám đốc phát triển Kinh Doanh CME Solar, cho biết sử dụng năng lượng tái tạo không còn là lựa chọn mà là bắt buộc, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Muốn xuất khẩu được phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về năng lượng, phải chuyển năng lượng hóa thạch thành năng lượng tái tạo, không còn cách nào khác. Tuy nhiên, để triển khai điện mặt trời áp mái, doanh nghiệp có 2 hướng: Một là tự đầu tư hay kêu gọi nhà đầu tư.

Theo ông Long, nếu doanh nghiệp có dòng tiền nhàn rỗi lớn thì có thể tự đầu tư. Nếu không, không nên đi vay tiền để đầu tư. Lý do là nếu so tỷ suất sinh lời của điện mặt trời với lãi suất ngân hàng thì phần lợi ích thu lại cho doanh nghiệp là không đáng để triển khai.

Hiện trên thị trường, có khá nhiều nhà đầu tư, nhiều nhà phát triển điện mặt trời lớn, có tên tuổi từ Anh, Đức, Úc,... để các doanh nghiệp chọn để cộng tác. Tuy nhiên, khi chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ, tìm những đơn vị có uy tín, có cam kết rõ ràng.

Tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải phát phát triển” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) tổ chức.

 

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đạt 19.400 MW. Trong đó, năng lượng mặt trời áp mái cũng đã phát triển rất nhanh, với trên 100.000 công trình trong 2 năm 2019-2020. Riêng trong năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 10,6 tỷ KW, trong đó điện mặt trời mái nhà đạt 10,6 tỷ KW. Hiện, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời chiếm 25% tổng công suất phát điện của Việt Nam.