06:00 31/05/2023

“Sáng học nghề, chiều học kiến thức là rất khó…”

Đỗ Như

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ tuyển sinh của khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm hẳn đối với đối tượng sau tốt nghiệp THCS...

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình.

Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó nhiều ý kiến phản ánh về nguyên nhân khiến tỷ lệ tuyển sinh của khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm…

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, đầu tháng 5, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng mục tiêu này có nguy cơ khó thực hiện nếu vấn đề về nút thắt trong việc quy định về đào tạo văn hóa trung học phổ thông cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tháo gỡ.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc hướng nghiệp, phân luồng, liên thông và phát triển giáo dục nghề nghiệp, một trong những chính sách đó là tổ chức cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Từ năm 2019 trở về trước đã có gần 300 trường trung cấp, cao đẳng vừa tổ chức dạy nghề, vừa dạy chương trình văn hóa THPT theo hình thức giáo dục thường xuyên cho học sinh học nghề ngay tại trường. Mỗi năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp giảng dạy cho khoảng 350.000 học sinh, góp phần đẩy mạnh phân luồng người học sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp.

Song từ năm 2020 thì hoạt động này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bị dừng lại. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư 15, trong đó hướng dẫn việc dạy khối lượng văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên cũng chưa giải quyết được vấn đề, chưa tháo gỡ được nút thắt này.

Vì thông tư này chỉ quy định là cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dậy 4 môn văn hóa mà không phải là dạy 7 môn để các học sinh học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tham gia được vào kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như là có điều kiện để thi tiếp lên đại học sau khi học chương trình trung cấp và cao đẳng.

“Rất nhiều học sinh đã không chọn vừa học nghề vừa học THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi vì là sự khó khăn trong việc đi học, sự phối hợp giữa 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm giáo dục thường xuyên thì không được thuận lợi.

Tôi cũng đã phản ánh là sáng thì đi học nghề nhưng chiều học kiến thức của phổ thông nên cũng rất khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi thì cũng rất khó khăn cho các em nên tỷ lệ tuyển sinh của khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm hẳn đối với đối tượng sau tốt nghiệp THCS. Theo báo cáo thì hiện nay có 31,8 nghìn người lao động chưa qua đào tạo sơ cấp.

Ví dụ như là đợt dịch Covid-19 vừa qua đã có 2 triệu người lao động rời khỏi thị trường lao động, trong đó phần lớn là các lao động phổ thông không qua đào tạo. Đấy là những con số rất đáng chú ý và cũng ảnh hưởng.

Chính vì thế, như tôi nói từ đầu là sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của Chỉ thị 21 đề ra là thu hút 50 đến 55% học sinh phổ thông vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chính vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dứt điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định dạy văn hóa THPT là hình thức giáo dục thường xuyên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, bà Dung kiến nghị.

Đề cập đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều hạn chế, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái kiến nghị cho phép các địa phương được tuyển dụng giáo viên các môn Tin học và tiếng Anh dạy cấp Tiểu học có trình độ đào tạo đạt chuẩn giai đoạn trước.

Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn…