Sắp có khu công nghiệp “NetZero” đầu tiên tại Việt Nam
Ninh Thuận là một trong những địa phương trong cả nước có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo. Trước xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, sạch tỉnh này đang đứng trước cơ hội rất lớn từ tận dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh...
Năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon được xem là đích đến nhằm xanh hóa nền kinh tế, hướng đến sự thịnh vượng kinh tế, bền vững về môi trường, góp phần vào mục tiêu làm chậm lại sự tăng nhiệt toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết tại COP26-2023.
LỢI THẾ DẪN ĐẦU VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương, Ninh Thuận có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo với khả năng phát triển tối đa khoảng 13.000 mW điện gió và hơn 8.000 mW điện mặt trời.
Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với khoảng lượng gió thổi đều quanh năm, tốc độ gió trung bình ở độ cao 6,5 m đạt 9,6 m/s. Về năng lượng mặt trời, số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600 - 2.800 giờ. Tổng sản lượng bức xạ nhiệt mặt trời trung bình 5,221 kwh/m2/năm, cao hơn mức trung bình cả nước.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải carbon thấp.
Hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch và được xác định là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Với những lợi thế sẵn có, tỉnh Ninh Thuận đang nhắm tới mục tiêu là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất hydrogen cũng như tin tưởng lựa chọn là nơi đặt trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, nêu rõ, tỉnh xác định chọn 5 cụm ngành đột phá bao gồm năng lượng và năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản với 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Trong phương hướng phát triển các ngành quan trọng, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…).
Phát triển năng lượng hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26.
Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm phía nam của Ninh Thuận cũng được xác định là cực tăng trưởng mới, động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển của cả nước.
HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP NET ZERO ĐẦU TIÊN
Tại hội thảo về năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon tổ chức gần đây, do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chủ trì, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư đến từ các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới, đã chia sẻ nhiều ý kiến xoay đến việc ban hành các cơ chế, chính sách về tài chính, ưu đãi thuế, mặt bằng đất đai; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng năng lượng hóa thạch mạnh dạn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng hydro xanh, thuận lợi cho phát triển bền vững năng lượng tái tạo.
Ông Eric HU, Giám đốc giải pháp khu công nghiệp NetZero thuộc Tập đoàn Envision Energy, cho biết Envision hiện có khu công nghiệp NetZero đầu tiên trên thế giới ở Ordos (Nội Mông, Trung Quốc) kết hợp năng lượng tái tạo, di chuyển sạch và các giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ công nghiệp hóa xanh trong khu vực. Ông nhìn nhận với lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi và khẳng định Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng để phát triển các cụm công nghiệp NetZero.
Nhằm thực hiện hoá mục tiêu này, Envision mong muốn thời gian tới, chính quyền địa phương có những giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió trên bờ, ngoài khơi và có chính sách ưu đãi thuế quan đối với xuất khẩu các sản phẩm Net Zero, đặc biệt là hydro xanh, ammonia để cho các công ty nước ngoài có cơ hội đầu tư phát triển ngành công nghiệp xanh tại địa phương.
Đại diện Tập đoàn IHI Corporation của Nhật Bản cũng cho biết đang tham gia rộng rãi các hoạt động về sản xuất, công nghệ, thiết bị lưu trữ hydrogen và ammonia.
Ông Yoshii Konosuke, Trưởng đại diện IHI Corporation tại Việt Nam, đã đề xuất Chính phủ Việt Nam cần triển khai một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng cường tính hiệu quả kinh tế cho các dự án sản xuất hydrogen xanh, ammonia.
Để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ông Yoshii cũng đề nghị cần giảm bớt các rào cản đối với nhà đầu tư như xây dựng văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết, xây dựng cơ chế cấp phép rõ ràng và nhất quán nhằm thiết lập cơ sở hạ tầng thiết yếu và chuỗi giá trị liên quan đến để thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu xanh cho các hoạt động kinh tế như sản xuất điện, công nghiệp và giao thông vận tải.
Tập đoàn Envision Group cam kết sẽ giúp tỉnh Ninh Thuận quy hoạch “Hệ sinh thái công nghiệp Netzero” để triển khai khu công nghiệp NetZero đầu tiên và trở thành trung tâm năng lượng xanh của Việt Nam.
Ngoài ra, là một nhà đầu tư nhiều dự án lớn về năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở Ninh Thuận, Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) cũng cho biết đang nghiên cứu và phát triển mô hình khu phức hợp năng lượng xanh tại địa phương này với quy mô dự án gồm 3 hợp phần: Nhà máy hydrogen xanh Cà Ná, Tổ hợp năng lượng tái tạo cấp nguồn và Tổ hợp cảng xuất hàng lỏng.
Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng hoàn thành 55 dự án năng lượng với tổng công suất 3.423 mW. Gồm có 35 dự án điện mặt trời với công suất đạt 2.457MW; 11 dự án điện gió có công suất 667 mW và 9 dự án thủy điện đạt công suất 299 mW. Tổng công suất đưa vào vận hành thương mại đến cuối năm 2021 khoảng 3.176 mW (điện mặt trời 2.303 mW; điện gió trên đất liền 574 mW; thủy điện vừa và nhỏ 299 mW), tổng sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia đạt khoảng 6,250 tỷ kWh.