Sắp khởi công dự án đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75km, trong đó 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP.HCM đang hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu để kịp khởi công trong quý I/2022.
Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết, hiện cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM. Đoạn đường có tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.329 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Về công tác giải phóng mặt bằng , Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, có sự thay đổi về phần kinh phí giải phóng mặt bằng. Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa phận qua TP.HCM tăng từ 149 tỷ lên hơn 1.599 tỷ đồng; qua địa phận tỉnh Đồng Nai tăng từ 475 tỷ lên 651 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, hiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán hai gói thầu (CW1 và CW2) xây lắp của dự án đã được phê duyệt. Việc mở thầu cũng đã được tiến hành vào ngày 16/02/2022 vừa qua. Hai gói thầu xây lắp lớn nhất có yếu tố then chốt, quyết định tiến độ của dự án là gói thầu CW1 xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn (Km10+000 - Km12+600) có dự toán được phê duyệt hơn 2.453 tỷ đồng; gói thầu CW2 xây dựng đoạn tuyến Km5+000 - Km10+000 và Km12+600 - Km13+750 có dự toán được duyệt gần 1.230 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 được phê duyệt theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3. Dự án có tổng chiều dài 89 km, đi qua địa bàn các tỉnh: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Sau hơn 10 năm được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đến nay toàn dự án mới chỉ có đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn (đoạn 2) dài 16,3km qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng. Để hoàn thành mục tiêu “khép kín” đường Vành đai 3 TP.HCM trong năm 2025, từ đầu năm 2021, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương thức thực hiện dự án.
Đây là dự án đầu tư công từ ngân sách địa phương và trung ương. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án dựa theo nguyên tắc: Tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, và ngân sách địa phương tham gia là 50% ở các địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Riêng Long An, dự kiến nguồn vốn trung ương hỗ trợ 75%, địa phương góp 25%.
Sau khi hoàn thành, những lợi ích mà công trình đường Vành đai 3 mang lại như giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu) thoát khỏi tắc nghẽn. Điểm nghẽn này xuất phát từ hệ thống giao thông vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu.