18:29 21/06/2017

Sau quyết định tạm nghỉ, CEO Uber chính thức từ chức

Kim Tuyến

Nhóm 5 cổ đông lớn của Uber đã yêu cầu Kalanick từ chức ngay lập tức

Nhà sáng lập Uber Travis Kalanick từ chức theo yêu cầu của các cổ đông lớn - Ảnh: CNBC.<br>
Nhà sáng lập Uber Travis Kalanick từ chức theo yêu cầu của các cổ đông lớn - Ảnh: CNBC.<br>
Ngày 20/6, nhà sáng lập Uber, Travis Kalanick chính thức rời vị trí Giám đốc điều hành (CEO) của ứng dụng gọi xe này theo yêu cầu khẩn từ nhóm cổ đông lớn, tờ New York Times cho biết.

Tuần trước, trong một email gửi nhân viên, Kalanick cho biết sẽ tạm nghỉ một thời gian nhưng không hẹn ngày trở lại.

Tuy nhiên, việc tạm nghỉ này chưa làm thỏa mãn các cổ đông, những người đã rót hàng tỷ USD vào ứng dụng gọi xe trị giá gần 70 tỷ USD này.

Theo một nguồn tin thân cận với sự việc, nhóm 5 cổ đông lớn của Uber đã yêu cầu Kalanick từ chức ngay lập tức trong một lá thư gửi đến Kalanick khi ông này đang ở Chicago.

Các cổ đông này bao gồm Benchmark, First Round Capital, Lowercase Capital, Menlo Ventures và Fidelity Investments, sở hữu hơn 25% cổ phần tại Uber, nhưng trong đó có những cổ phần có quyền biểu quyết chiếm khoảng 40%.

Trong lá thư với tiêu đề “Đưa Uber đi lên”, các cổ đông này yêu cầu Kalanick ngay lập tức rời vị trí CEO và công ty cần phải thay đổi cục diện bộ máy lãnh đạo.

Sau khi biết yêu cầu này, Kalanick có tranh cãi với một số thành viên ban quản trị và sau nhiều giờ thảo luận, ông đồng ý từ chức. Sau khi từ chức CEO, Kalanick sẽ vẫn nằm trong hội đồng quản trị của Uber.

"Tôi yêu Uber hơn bất cứ thứ gì trên đời và trong giây phút khó khăn nhất đời mình, tôi quyết định đồng ý với yêu cầu từ chức của các cổ đông để Uber có thể tiếp tục phát triển mà không bị ảnh hưởng bởi những bê bối”, Kalanick viết trong một thông cáo.

Động thái này là câu trả lời cho những nghi vấn nhiều tháng qua về vấn đề lãnh đạo của Uber - ví dụ điển hình về thực trạng văn hóa khởi nghiệp hiện nay tại thung lũng Silicon.

Thời gian gần đây, Uber vướng phải nhiều bê bối liên quan tới văn hóa làm việc với các cáo buộc phân biệt đối xử cùng những vụ việc pháp lý liên quan tới đối thủ và cả đối tác. Những vấn đề này xảy ra khi Uber được lãnh đạo của Kalanick trên cương vị điều hành, cũng là người sáng lập và phát triển ứng dụng này ra toàn cầu.

Quyết định từ chức của Kalanick để ngỏ câu hỏi ai sẽ là người tiếp quản vị trí CEO của Uber. Tuy nhiên, Kalanick có thể sẽ vẫn có ảnh hướng tới những quyết định của Uber bởi ông nắm giữ phần lớn cổ phần biểu quyết của công ty này.

Ngoài yêu cầu Kalanick từ chức, nhóm cổ đông trên còn yêu cầu tăng cường giám sát việc tìm kiếm 2 trong 3 thành viên ban quản trị còn trống, đảm bảo họ là những “giám đốc hoàn toàn độc lập”.

Ngoài ra, họ cũng yêu cầu Kalanick hỗ trợ việc tìm kiếm một giám đốc điều hành mới dưới sự chỉ đạo của hội đồng quản trị, đồng thời muốn Uber tuyển ngay một Giám đốc tài chính mới có kinh nghiệm dày dặn.