17:52 23/10/2023

Sau thời trang, Liên minh châu Âu tiếp tục ra đạo luật về mỹ phẩm bền vững

Minh Nguyệt

Với hơn 23 triệu kết quả tìm kiếm các từ khoá liên quan đến sản phẩm chăm sóc cá nhân “thuần chay” và “organic”, xu hướng mỹ phẩm bền vững hiện đang được các nhãn hàng tập trung phát triển cũng như người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ…

Ảnh: Clear
Ảnh: Clear

Không chỉ là lời quảng cáo, vấn đề “bền vững” của sản phẩm với các chỉ tiêu trong nguyên liệu và quy trình sản xuất cũng được người tiêu dùng quan tâm. Báo cáo của chuyên ngành làm đẹp mới đây cho thấy, 60% người mua hàng sẽ quyết định chọn sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường khi đứng trước nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu liên quan đến organic, thuần chay, không thử nghiệm trên động vật hay upcycled (tái sử dụng sáng tạo)… cũng được quan tâm.

Có thể nói, nhận thức về phát triển bền vững đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc lựa chọn mỹ phẩm của người tiêu dùng. Và bắt đầu từ ngày 17/10 vừa qua, Liên minh châu Âu cũng đã tham gia sâu thêm vào việc thúc đẩy xu hướng bền vững này, sau khi đã ra các đạo luật về truy xuất nguồn gốc và tái chế nguyên liệu trong thời trang. Luật ban hành bắt đầu công cuộc cấm vi nhựa trong mỹ phẩm và hàng tẩy rửa, những thành phần không có khả năng tự phân hủy trong tự nhiên.

Với đạo luật này, Liên minh châu Âu hy vọng sẽ ngăn cản khoảng nửa tấn hạt vi nhựa bị đổ ra môi trường. Theo tờ Allure, ở giai đoạn 1, Liên minh Châu Âu bắt đầu cấm các loại bột nhũ, bột ngọc trai siêu nhỏ hay hạt kim tuyến rời, thường được dùng để đính lên mặt bằng keo hay đắp lên móng tay. Sau đó dần dần những sản phẩm khác bị cấm sẽ bao gồm mỹ phẩm có hạt polymer gốc dầu mỏ, ví dụ như sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý chứa hạt nhựa; hàng tẩy rửa có hạt nhựa thơm như nước giặt, xả vải; các loại đồ chơi và nước hoa sử dụng hạt vi nhựa như thành phần tạo màu...

Với đạo luật này, Liên minh châu Âu hy vọng sẽ ngăn cản khoảng nửa tấn hạt vi nhựa bị đổ ra môi trường.
Với đạo luật này, Liên minh châu Âu hy vọng sẽ ngăn cản khoảng nửa tấn hạt vi nhựa bị đổ ra môi trường.

Trong khuôn khổ các hành động theo chương trình nghị sự 2030, Brussels đã quyết định hạn chế bán các sản phẩm mỹ phẩm đã được cố tình thêm vào công thức của họ. Các sản phẩm có chứa hạt lấp lánh hoặc hạt siêu nhỏ sẽ bị cấm. Tuyên bố chính thức cho biết: “Các nhãn hàng có thể thay thế kim tuyến làm từ nhựa bằng kim tuyến thân thiện với môi trường hơn, không gây ô nhiễm đại dương”.

Như vậy, các loại kim tuyến trang điểm làm từ nguồn gốc tự nhiên, có khả năng phân hủy hay hòa tan trong nước thì vẫn được cho phép bày bán như bình thường. Với các mặt hàng đã được bày bán từ trước khi đạo luật ban hành, các nhà bán lẻ được phép thanh lý lượng hàng còn tồn trên kệ, tuy nhiên sẽ phải đi kèm với giấy cảnh báo “công thức chứa hạt vi nhựa”.

Từ lâu, kim tuyến đã là một chủ đề lớn được đề cập đến tại các hội thảo về rác thải nhựa nói chung và vi nhựa nói riêng khắp toàn thế giới. Không riêng gì châu Âu, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm hạt nhựa trong sữa rửa mặt, sản phẩm tẩy tế bào chết, và kem đánh răng tận từ năm 2015. Mỹ phẩm chứa kim tuyến cũng nằm trong lộ trình kế tiếp của việc ngăn ngừa ô nhiễm môi trường vì hạt vi nhựa ở Hoa Kỳ.

Các sản phẩm có chứa hạt lấp lánh hoặc hạt siêu nhỏ sẽ bị cấm.
Các sản phẩm có chứa hạt lấp lánh hoặc hạt siêu nhỏ sẽ bị cấm.

Quyết định này của EU được đẩy nhanh khi một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ một sự thật gây sốc - lần đầu tiên người ta tìm thấy sự hiện diện của vi nhựa trong máu người! Phát hiện này đã gây ra sự quan tâm và lo lắng rộng rãi, và chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Những nguy cơ sức khỏe nào tiềm ẩn trong những nhu yếu phẩm hàng ngày tưởng chừng như vô hại này? Hạt vi nhựa xâm nhập vào máu chúng ta như thế nào và nó có tác động gì đến sức khỏe của chúng ta?

Gần hai thập kỷ trước, các nhà sinh học biển bắt đầu thu hút sự chú ý đến sự tích tụ của vi nhựa trong đại dương và khả năng ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe của sinh vật và hệ sinh thái. Nhưng chỉ trong những năm gần đây, các nhà khoa học mới bắt đầu tập trung vào vấn đề vi nhựa trong thực phẩm và nước uống của con người - cũng như không khí trong nhà.

Theo tạp chí Cellugy, các hạt nhũ hoặc kim tuyến nhỏ li ti được thêm vào mỹ phẩm như son môi, son bóng và trang điểm mắt để tăng khả năng bắt sáng và lấp lánh. Với kích thước nhỏ, các hạt nhựa li ti cũng có thể chuyển động tạo ma sát trên da, tạo cảm giác “mài mòn” nhẹ nên được dùng với mục đích chính là loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn, mang lại cảm giác sạch thoáng sau khi sử dụng. Với giá thành rẻ, các loại hạt này được sử dụng trong rất nhiều mỹ phẩm như tẩy da chết, sữa rửa mặt, sữa tắm, thậm chí là son, mascara,…

Chất làm dẻo ester phthalate cũng thường được thêm vào trong quá trình sản xuất hạt vi nhựa theo mục đích mong muốn như làm mềm da, tạo màu, hương thơm hay chống tạo bọt trong một số loại mỹ phẩm. Đây là chất gây rối loạn quá trình nội tiết, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và có nguy cơ gây ung thư vú. Với các sản phẩm tẩy da chết có hạt vi nhựa, chúng có thể làm mỏng da với những người da nhạy cảm và có thể hình thành các lỗ nhỏ trên da khiến da dễ tổn thương và nhiễm khuẩn hơn.

Các hạt nhựa li ti cũng có thể tạo cảm giác “mài mòn” nhẹ nên thường được dùng với mục đích chính là loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn.
Các hạt nhựa li ti cũng có thể tạo cảm giác “mài mòn” nhẹ nên thường được dùng với mục đích chính là loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn.

Không chỉ tác động trên bề mặt, hạt vi nhựa còn có thể được hấp thu vào cơ thể con người theo đường tiêu hóa thức ăn hay hô hấp. Sau khi chúng ta tẩy tế bào chết, tắm rửa, các hạt sẽ trôi theo cống rãnh tập trung về khu vực xử lý nước thải. Nhưng vì các hạt kích thước có kích thước siêu nhỏ nên hệ thống sẽ không thể lọc được các hạt này, mà sẽ được xả trực tiếp ra biển, lúc này các sinh vật biển cá, mực, sò… này sẽ nhầm lẫn hạt vi nhựa là thực phẩm và ăn vào.

Từ đó, nếu chúng ta ăn hải sản sẽ đồng nghĩa với việc đã hoàn toàn hấp thụ các hạt vi nhựa. Khi vào bên trong cơ thể, chúng có thể gây oxy hóa các tế bào, dẫn đến kích hoạt nhiễm trùng, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn quá trình nội tiết,…vô cùng nguy hiểm với sức khỏe con người.