10:26 01/02/2008

SCIC sẽ thoái đầu tư tại 70 doanh nghiệp quy mô nhỏ

L.Hương

Năm nay, SCIC sẽ thoái đầu tư tại khoảng 70 doanh nghiệp nhỏ thuộc các ngành, lĩnh vực về lâu dài Nhà nước không cần đầu tư vốn

Năm 2008 sẽ là một năm bận rộn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn.

Cùng với việc tiếp tục tổ chức tốt quản lý danh mục vốn đầu tư tại các doanh nghiệp thông qua cập nhật và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các doanh nghiệp đã tiếp nhận, SCIC sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu lại vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp theo hướng giảm về số lượng, tăng chất lượng quy mô, tập trung vào lĩnh vực chiến lược.

Trong năm 2008, SCIC sẽ thoái đầu tư tại khoảng 70 doanh nghiệp có quy mô nhỏ thuộc các ngành, lĩnh vực về lâu dài Nhà nước không cần đầu tư vốn. Theo ông Trần Văn Tá, tân Tổng giám đốc SCIC, việc thoái vốn này phải đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, phải chọn thời điểm thích hợp để thoái và điều quan trọng là phải thay đổi về chất trước khi bán.

Để làm được việc này sẽ phải cơ cấu lại doanh nghiệp, SCIC sẽ tính đến cả việc thuê tư vấn, mời đối tác chiến lược, giúp nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp qua đó nâng cao giá trị của doanh nghiệp cũng như giá trị phần vốn Nhà nước, tập trung vốn đầu tư vào một số doanh nghiệp có tiềm năng, đồng thời giảm vốn đầu tư của Nhà nước dàn trải tại nhiều doanh nghiệp.

Với quan điểm này, trên thực tế trong năm 2007, SCIC đã thực hiện thí điểm thoái vốn đầu tư toàn bộ tài sản 25 doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn và thoái bớt vốn tại 9 doanh nghiệp, chủ yếu thuộc nhóm C (là nhóm có quy mô vốn nhỏ, vốn của Tổng công ty chủ yếu dưới 1 tỷ đồng và có tỷ lệ sở hữu thấp).

Tổng giá trị ghi sổ phần vốn thoái đầu tư là 73 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về là 390 tỷ đồng.

Cùng với việc thoái đầu tư, trong năm 2007, một số dự án tái cơ cấu mà SCIC đã thực hiện thành công như: việc hoàn thành tái cơ cấu thành công Pacific Airlines, giúp doanh nghiệp này vượt qua bờ vực phá sản và chuyển nhượng thành công 30% sở hữu cho hãng hàng không Qantas (Úc), chuyển nhượng phần vốn trong liên doanh Bảo Minh – CMG cho Công ty bảo hiểm nhân thọ Daiichi (Nhật Bản) mang lại khoản lợi nhuận gấp 2 lần giá trị vốn góp ban đầu của doanh nghiệp, bán thành công 16,6% vốn điều lệ (tương đương 75 triệu USD) của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cho đối tác chiến lược là Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Âu AXA (Pháp) và Bảo Minh hiện đang hoàn thiện mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hỗ trợ Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) trong việc lựa chọn tư vấn – xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn đối tác chiến lược.

Với Vinaconex, FPT SCIC đã và đang hỗ trợ việc củng cố quản trị công ty, xác định lại giá trị công ty, lên phương án tăng vốn, lập hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp tìm tư vấn và đối tác chiến lược.

Riêng với Vinamilk, SCIC đã cùng với doanh nghiệp này lựa chọn được tư vấn và đang tiến hành các thủ tục niêm yết cổ phiếu Vinamilk tại thị trường chứng khoán Singapore.

Ngoài ra, SCIC cũng đang thực hiện tái cơ cấu nhóm doanh nghiệp ngành nhựa và ngành dược, đồng thời bước đầu triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sách và thiết bị trường học, du lịch, giao thông vận tải...

Cùng với việc thoái đầu tư, trong năm 2008 SCIC sẽ hỗ trợ thêm 20 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó sẽ có cả những doanh nghiệp lớn vừa thực hiện cổ phần hóa như Bảo Việt, Vietcombank.