Sẽ có khu đô thị TOD đầu tiên ở phía tây TP.HCM
Đề án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit Oriented Development - TOD), ứng dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 sẽ xây dựng loạt khu đô thị quanh các tuyến metro, đường Vành đai 3; trong đó đã xác định khu đô thị TOD đầu tiên thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ tại ga Tân Kiên...
Quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đã được Bộ Giao thông vận tải ký quyết định phê duyệt ngày 27/8/2013 với tổng chiều dài toàn tuyến 174 km, gồm 14 ga, xuất phát từ ga lập tàu An Bình (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến thành phố Cần Thơ.
Lộ trình của tuyến đường sắt này đi qua địa bàn 6 tỉnh và thành phố gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Ngoài các ga còn 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe... Tuyến có 3 depot ở An Bình, Tân Kiên và Cần Thơ. Theo dự kiến, công được sẽ được khởi công trước năm 2030 và đưa vào khai thác từ năm 2035.
Riêng với ga/depot Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM), khu vực quanh ga rộng 314 ha được quy hoạch để phát triển đô thị mô hình TOD giai đoạn 2026 - 2028. Đây cũng là một trong 11 địa điểm đã được Ủy ban nhân dân TP.HCM xác định phát triển đô thị theo đề án TOD, giai đoạn 2026 – 2028. Theo đó, TOD Tân Kiên giúp khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông đồng thời tạo tiền đề hình thành một khu đô thị hiện đại, đa chức năng với các trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà ở cùng không gian công cộng được kết nối đồng bộ. TOD Tân Kiên sẽ là khu đô thị phía tây Sài Gòn đóng vai trò là đầu mối giao thông chiến lược kết nối TP.HCM với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.
Theo Kế hoạch thực hiện các khu vực TOD dọc theo tuyến metro số 1, metro số 2, đường Vành đai 3 TP.HCM..., các khu vực TOD đều được lựa chọn trên tiêu chí như dễ triển khai, thuận lợi trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng để sớm thực hiện đạt hiệu quả cao. Khu vực quanh depot Tân Kiên hội đủ các lợi thế nói trên nên dự kiến sẽ được hình thành sớm hơn trong số các TOD còn lại. Ủy ban nhân dân TP.HCM đã giao các cơ quan chức năng, sở, ngành lập phương án xác định ranh giới chi tiết, tình trạng pháp lý đất đai và chức năng phát triển đô thị để xúc tiến đề án TOD tại Tân Kiên.
Mô hình “Đề án TOD” sẽ bao gồm 7 bước. Trong đó, bước đầu tiên, xác định đầu mối giao thông tập trung có thể hình thành mô hình TOD.
Bước thứ hai, xác định phạm vi vùng phụ cận của khu vực nhà ga tuyến đường sắt, metro, nút giao đường Vành đai 3 TP.HCM đồng thời tiến hành rà soát quỹ đất, đồ án quy hoạch cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đánh giá hiện trạng.
Bước thứ ba, tổ chức điều chỉnh quy hoạch cục bộ, nếu có.
Bước thứ tư, đề xuất dự án đầu tư công độc lập thực hiện bồi thường để thu hồi đất, phát triển hạ tầng, đô thị. Bước thứ năm, đề xuất dự án đầu tư công độc lập thực hiện bồi thường để thu hồi đất, phát triển hạ tầng, đô thị.
Các bước còn lại gồm: thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư trình Hội đồng nhân dân TP.HCM phê duyệt; tổ chức triển khai dự án và tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án.
Theo tính toán ban đầu, kinh phí thu được từ bán đấu giá các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý xung quanh các nhà ga thuộc tuyến metro số 1 và số 2 cho tổng diện tích hơn 290 ha là khoảng 76.076 tỷ đồng. Kinh phí thu được từ bán đấu giá các khu đất sau khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xung quanh các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, 4, 5 cho tổng diện tích 357,22 ha là 76.074 tỷ đồng.
Giai đoạn 2028 – 2030, nguồn thu từ TOD mà TP.HCM dự kiến thu được là khoảng 1,25 tỷ USD (tương đương 108.750 tỷ đồng); giai đoạn 2031 – 2035 thu được khoảng 3,78 tỷ USD (tương đương 90.529 tỷ đồng); từ đó tạo tổng nguồn thu cho ngân sách thành phố khoảng 120.529 tỷ đồng (tương đương 5,03 tỷ USD), đáp ứng tổng chi phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 32.153 tỷ đồng.
Về kế hoạch triển khai TOD Tân Kiên, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, dự án tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn phân kỳ, công trình được xây dựng đường đơn từ ga An Bình đến ga Cần Thơ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 155.433 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn thiện, tiêu chuẩn đường khổ đôi 1.435 mm, điện khí hóa, tổng mức đầu tư khoảng 64.736 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công giai đoạn phân kỳ trước năm 2030 và đưa vào khai thác từ năm 2035.
Như vậy, nếu kế hoạch triển khai theo đúng tiến độ, thì trong chưa đầy 10 năm tới, cùng với công trình đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ, khu đô thị hiện đại TOD Tây Sài Gòn sẽ hình thành tạo động lực phát triển mới cho TP.HCM, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, giao thông kết nối cho người dân thành phố.