10:44 11/06/2007

Sẽ có Luật Bảo vệ người tiêu dùng?

Hồng Thoan

Những ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo “Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”

Theo Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khái niệm người tiêu dùng được hiểu là người tiêu dùng cuối cùng.
Theo Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khái niệm người tiêu dùng được hiểu là người tiêu dùng cuối cùng.
Ngày 8/6, Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại) phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo “Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” để trình Chính phủ phê duyệt.

Trong thời điểm thị trường trong nước đang dấy lên phong trào bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, điển hình nhất là sau vụ việc nước tương có chứa hàm lượng 3–MCPD vượt quá tiêu chuẩn cho phép của một số doanh nghiệp, nhà sản xuất vi phạm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng, việc sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cần có ngay Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các cơ quan chức năng khẳng định rằng Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chắc chắn sẽ được nâng lên Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết không thể chờ đợi đến khi Pháp lệnh được nâng lên thành Luật bởi theo lộ trình đề ra thì sớm nhất cũng phải tới năm 2010 dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng mới có thể trình Chính phủ, cho nên cần thiết phải có Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, xung quanh nội dung của bản dự thảo vẫn còn có nhiều ý kiến chưa được thống nhất. Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử chỉ ra rằng đối tượng “người tiêu dùng” trong dự thảo Nghị định mới chỉ được hiểu là “người tiêu dùng cuối cùng”. Trong khi đó, thực tế đời sống thì bất kỳ người mua hàng (dù tiêu thụ thành phẩm, bán thành phẩm hay nguyên liệu, thiết bị chi tiết phục vụ sản xuất ra hàng hoá) cũng đều là người tiêu dùng. Ban soạn thảo đã thừa nhận ý kiến đó là đúng, bởi trên thế giới hiện nay cũng phân chia 2 khái niệm gồm người tiêu dùng (được hiểu là người tiêu dùng cuối cùng) và khách hàng. Nhưng trong Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới chỉ giới hạn ở khía cạnh người tiêu dùng cuối cùng nên dự thảo Nghị định không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của Pháp lệnh.

Một ý kiến đóng góp được Ban soạn thảo đánh giá cao là ý kiến của ông Trần Công Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội. Ông Tuấn cho rằng nên bổ sung vào dự thảo Nghị định về quyền của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ như thế nào khi khiếu nại, tố cáo doanh nghiệp về cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đồng thời, bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng khi khiếu nại, tố cáo sai.

Một điểm quan trọng nữa cần bổ sung là đối với những cơ quan chức năng ém nhẹm thông tin, không đưa thông tin đầy đủ về sai phạm của doanh nghiệp, nhà sản xuất ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng sẽ phải xử lý như thế nào. Ban soạn thảo Nghị định đã tiếp thu ý kiến này và sẽ bổ sung cho hoàn chỉnh.

Chưa thể hiện đầy đủ quyền của người tiêu dùng

Ông Lương Văn Kỳ, Chủ tịch Hội bảo về quyền lợi người tiêu dùng Hà Tây phân tích rõ, dự thảo Nghị định chưa thể hiện được đầy đủ 8 quyền của người tiêu dùng đã được Liên hiệp quốc thừa nhận (quyền được đảm bảo an toàn; quyền được cung cấp thông tin; quyền lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; quyền đóng góp ý kiến; quyền được hướng dẫn những hiểu biết về tiêu dùng; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; quyền được bồi thường). Ngoài ra, dự thảo còn thiếu 2 quyền của người tiêu dùng gồm quyền thoả mãn nhu cầu cơ bản và quyền được sống trong môi trường lành mạnh.

Tuy nhiên, theo giải thích của Ban soạn thảo Nghị định, mặc dù trong Pháp lệnh không đề cập đến 2 quyền trên của người tiêu dùng nhưng những quyền này đã được đề cập trong Luật Dân sự cho nên việc đưa 2 quyền này vào Nghị định là không cần thiết.

Ý kiến thu hút được sự đồng tình của nhiều đại biểu do anh Trần Văn Hai, đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ ra là do nội dung về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (chẳng hạn như Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) chưa được thể hiện rõ ràng trong dự thảo Nghị định cho nên tính khả thi của Nghị định sẽ không cao.

Một điểm khác nữa, Điều 26 về tiếp nhận và giải quyết khiếu nại trong dự thảo quy định “các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có nghĩa vụ giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại”, nếu quá thời hạn trên thì người tiêu dùng có thể khởi kiện ra toà án. Như vậy, một nguyên tắc tối quan trọng khi giải quyết khiếu nại là hoà giải lại không được đề cập đến.

Đại diện cho ban soạn thảo Nghị định, bà Đinh Thị Mỹ Loan đã tiếp thu toàn bộ những ý kiến đóng góp để bổ sung, sửa chữa hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, sao cho có thể trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.