08:18 25/06/2023

Sẽ không xảy ra tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá

Nhĩ Anh

Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt là trong bối cảnh từ 1/7/2023 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Với sự vào cuộc từ sớm của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, tình trạng tăng lương không theo kịp tăng giá sẽ không xảy ra...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV chiều tối ngày 24/6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và đại diện các cơ quan của Quốc hội đã trao đổi, trả lời làm rõ các vấn đề báo chí quan tâm liên quan đến nội dung kỳ họp và hoạt động của Quốc hội như vai trò giám sát của Quốc hội liên quan đến cung ứng điện, ứng phó với việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ khi lương cơ sở tăng; giải pháp khắc phục tình trạng là một bộ phận cán bộ, công chức ở nhiều ngành, nhiều cấp sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…

Cùng với đó là những hoạt động dự kiến của Quốc hội nhằm đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành làm căn cứ để đại biểu Quốc hội xem xét khi bỏ phiếu tín nhiệm; việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào Kỳ họp thứ 6 tới…

KIỂM SOÁT GIÁ CÁC HÀNG HÓA DỊCH VỤ

Tại buổi họp báo, liên quan đến vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này, khi thực hiện tăng lương cơ sở đi cùng với đó là kiểm soát, điều hành giá. Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó có các giải pháp kiểm soát giá, thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá… Các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.

Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Do vậy, Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ 1/7 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

Họp báo Công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.
Họp báo Công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.

Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, là kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI. Với sự sát sao vào cuộc từ sớm của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội, ông Giang nhận định, tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra.

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV mới được thông qua chiều nay, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm. Xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

“CHỮA BỆNH” NÉ TRÁNH, SỢ TRÁCH NHIỆM

Liên quan đến việc khắc phục được tình trạng tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, được nhiều đại biểu đề cập, tranh luân, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội không chỉ đưa ra yêu cầu “sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” mà còn yêu cầu “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm”.

 
Những giải pháp được Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, đưa ra đã tương đối đủ để góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết Kỳ họp cũng yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc, kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Qua đó phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Như vậy, những giải pháp được Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, đưa ra đã tương đối đủ để góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Sẽ không xảy ra tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá - Ảnh 1

Nêu ý kiến cá nhân về giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho rằng, Quốc hội đã nêu rõ, trực diện và thẳng thắn “tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội”.

Theo ông An, đây là lần đầu tiên Quốc hội ghi nhận trong nghị quyết chính thức của Quốc hội về vấn đề này. Do vậy, trong điều hành cần có giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt, ai có công thì được thưởng, ai làm chưa tốt phải có hình thức kỷ luật phù hợp để chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc.

Quốc hội yêu cầu sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Khi ban hành được văn bản này thì sẽ giải quyết được vấn đề đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

YÊU CẦU THÔNG TIN VỀ NGƯỜI ĐƯỢC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM TƯỜNG MINH

Liên quan đến vấn đề để đại biểu có thông tin đầy đủ nhằm đánh giá sát, đúng, đầy đủ, chính xác với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Điều 10 của Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 nêu rõ trình tự yêu cầu thời gian và nội dung phải gửi tới đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo kết quả thực hiện công việc của mình, kê khai tài sản để đại biểu nghiên cứu trước khi tiến hành lấy phiếu. Việc cung cấp thông tin được yêu cầu rất kỹ, tường minh trong nghị quyết vừa được thông qua.

Việc cung cấp thông tin không chỉ có báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn có cả báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do mặt trận các cấp tổng hợp gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Điều 10 của Nghị quyết quy định: Chậm nhất là 45 ngày trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo theo mẫu quy định và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ  Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

 

Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5-10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6-24/6/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kết quả đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Đồng thời, giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác...