11:52 07/09/2010

Sẽ tăng cường kiểm soát giá thép

Hồng Thoan

Tổng công ty thép cam kết sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường từ nay đến cuối năm

Giá thép bán lẻ thông qua các đại lý vẫn cao hơn mặt bằng chung từ 500-700 nghìn đồng/tấn.
Giá thép bán lẻ thông qua các đại lý vẫn cao hơn mặt bằng chung từ 500-700 nghìn đồng/tấn.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương ngày 6/9, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết tới đây sẽ tăng cường kiểm soát giá thép trên thị trường.

Theo Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh, với ước tính nhập siêu 0,9 tỷ USD, tháng 8 là tháng thứ 4 liên tiếp đạt được kim ngạch nhập siêu dưới 20%.

Tuy nhiên, một mặt do xuất khẩu tháng 8 giảm nhẹ 0,5% so với tháng 7, mặt khác, hiện nay nguồn cung hàng hoá thuộc nhóm nông lâm thuỷ sản đã cân đối vừa đủ cho các hợp đồng lớn nên để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến có giá trị lớn.

Thế nhưng, nhiều ngành, lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn đối với việc cung ứng điện cho sản xuất, ông Đậu Đức Khởi, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực (EVN) đã phải thốt lên: “Năm nay là năm thời tiết quá khắc nghiệt! Mặc dù tháng 8 đã có mưa trên diện rộng và bão số 3 nhưng vẫn không có lũ tiểu mãn, các hồ chứa vẫn trong tình trạng thiếu nước phục vụ phát điện nên phải “vừa tích vừa phát” chứ không dám phát hết công suất, so với cùng kỳ chỉ bằng 80%. Trong khi đó, phụ tải tháng 8 tăng gần 12% và so với 8 tháng cùng kỳ tăng tới 19,9%”.

Theo đại diện của EVN, tình hình cung cấp điện tháng 9 vẫn diễn biến không thuận lợi khi mà mưa bão nhiều nhưng nước đầu nguồn về ít, trong khi lại phải tăng cường tích nước cho mùa khô năm sau. Sản lượng điện tháng 9 dự kiến đạt 285,7 triệu kWh/ngày và không có dự phòng, huy động tối đa nhiệt điện than, khí, nhập khẩu và tập trung sửa chữa các tổ máy đang gặp sự cố hiện nay để cố gắng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Trong khi nguồn khí cho các nhà máy điện được đại diện của Tập đoàn dầu khí (PVN), bà Phạm Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc hứa hẹn, trong tháng 9, PVN sẽ hạ thủy giàn cung cấp khí, đảm bảo nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện chạy khí, thì đại diện của Tập đoàn than và khoáng sản (TKV) lại tiếp tục kiến nghị các cơ quan hữu quan nhanh chóng vào cuộc điều tiết giá, giải bài toán giá cung ứng than cho điện.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc TKV cho rằng, nên lấy điện là mục tiêu chung tiến tới việc điều chỉnh giá than. Bởi với cơ chế giá hiện nay rất nhiều nhà đầu tư nhà máy nhiệt điện muốn dùng than trong nước để được hưởng ưu đãi giá thấp, khiến cho ngành than “càng làm càng chết”.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện Bộ Công Thương đang thực hiện kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng thép. Và thời gian tới, các cơ quan quản lý thị trường sẽ có kế hoạch phối hợp với sở công thương các địa phương tăng cường công tác kiểm soát giá thép trên thị trường.

Tại đây, ông Nguyễn Thanh Chủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam đã cam kết sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường từ nay đến cuối năm và xuất khẩu thép cả năm sẽ đạt khoảng 26 triệu USD, nhưng khả năng chi phối thực sự trên thị trường thép nội địa của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thép chỉ chiếm dưới 53% nên việc tham gia điều tiết giá rất hạn chế.

Một vấn đề lớn được kiến nghị là phải làm rõ giá thép thế giới tăng bao nhiêu và tương quan với đó là giá tại thị trường trong nước như thế nào? Hiện giá bán thành phẩm thép xây dựng (ngày 26/8) là 13,970 triệu đồng/tấn (chưa chiết khấu và chưa bao gồm 7% thuế), nhưng giá bán lẻ thông qua các đại lý vẫn cao hơn mặt bằng chung từ 500-700 ngàn đồng/tấn.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt việc niêm yết giá, bán theo đúng giá niêm yết, và đặc biệt là đăng ký giá bán nhằm không bị lợi dụng việc biến động giá thế giới để tăng giá trục lợi.

Trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và tình hình sản xuất những tháng gần đây của một số ngành then chốt, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy mạnh sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tác phục vụ xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu và bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiểm soát nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá trong nước đã sản xuất được.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ đã ban hành tạm thời danh mục các mặt hàng nhập khẩu cần kiểm soát. Vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp thường có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu gối đầu cho năm tới, nên trong ngày một ngày hai, Vụ Công nghiệp sẽ giới thiệu ngay các sản phẩm, danh mục mà các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được để tất cả các doanh nghiệp tích cực ưu tiên sử dụng hàng hóa, vật tư trong nước.

4 tháng cuối năm còn tiềm ẩn nhiều biến động về giá cả, thiên tai..., cộng với đó là khó khăn về nguồn nhân lực, giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần có những biện pháp chủ động khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sản xuất hàng xuất khẩu.