00:08 20/06/2008

Sẽ tăng cường ổn định tỷ giá

Minh Đức

Ngoài thực lực 20,7 tỷ USD dự trữ, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị những giải pháp mới để ổn định tỷ giá VND/USD

“Tâm lý đang làm méo mó tỷ giá hiện nay” - Ảnh: Việt Tuấn.
“Tâm lý đang làm méo mó tỷ giá hiện nay” - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngoài thực lực 20,7 tỷ USD dự trữ, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị những giải pháp mới để ổn định tỷ giá VND/USD.

Tỷ giá VND/USD hay khả năng phá giá đồng nội tệ có ở hầu hết các câu hỏi gửi đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại diễn đàn truyền hình trực tuyến diễn ra cuối ngày hôm qua (19/6).

Trước thềm diễn đàn nói trên, một số nguồn tin đề cập đến dự định có can thiệp mạnh của Ngân hàng Nhà nước để “hạ nhiệt” giá USD so với VND trên thị trường.

20,7 tỷ USD dự trữ ngoại tệ

Theo quy định hiện hành, đó là con số không được công bố, nhưng theo gợi ý của Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra tại diễn đàn nói trên.

20,7 tỷ USD không nằm ngoài dự tính của giới quan sát, bởi trước đó, sau khi mua vào 9 tỷ USD trong năm 2007, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cũng đã đưa ra một con số gần với 20,7 tỷ USD dự trữ ngoại tệ ròng hiện nay.

Con số đó còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, nhưng đó là một bước tăng mạnh so với khoảng 9 – 11 tỷ USD cách đây hai năm; và là một thay đổi hoàn toàn khác nếu nhìn lại thời điểm đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi Việt Nam “không có đồng USD nào trong dự trữ ngoại tệ” (thông tin từ một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại cuộc giao ban báo chí cách đây một năm).

20,7 tỷ USD đi cùng với khả năng đảm bảo được 11 tuần nhập khẩu của nền kinh tế, theo bình quân 5 tháng đầu năm nay. Giá trị hơn, đây là một phần quan trọng để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định rằng Việt Nam có đủ khả năng để ổn định, cân đối cung – cầu ngoại tệ và can thiệp trong trường hợp cần thiết.

Sẽ có những giải pháp mạnh

Phần lớn trong khoảng 20 câu hỏi chính đặt ra tại diễn dàn truyền hình trực tuyến cuối chiều qua (19/6) liên quan đến cơ chế tỷ giá của Việt Nam, về ứng xử của Ngân hàng Nhà nước trước biến động của giá USD trên thị trường.

Và cũng một lần nữa, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh rằng “Việt Nam không có tuyên bố phá giá VND”; giá USD trên thị trường tự do vừa qua và hiện nay tăng cao là do tác động từ lạm phát tháng 5/2008, do yếu tố tâm lý.

“Tâm lý đang làm méo mó tỷ giá hiện nay”, Thống đốc nói.

Trước thềm diễn đàn này, giới thạo tin cũng đã đề cập đến khả năng có can thiệp mạnh của Ngân hàng Nhà nước để bình ổn giá USD trên thị trường. Sự đồn đoán đó được gắn với mốc “truyền miệng” của giá đồng tiền xanh này trên thị trường tự do, ở mức 20.000 VND/USD.

Khả năng đó cũng chính thức được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu bước đầu hé mở. Ngay trong chiều 19/6, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với một số ngân hàng thương mại lớn để bàn về kế hoạch triển khai một số giải pháp trong những ngày tới.

Hiện những giải pháp cụ thể chưa được công bố, song theo Thống đốc, đó sẽ là những giải pháp mới, tích cực hơn để nhanh chóng ổn định và đưa tỷ giá về mức hợp lý. Có thể sau khi tiếp tục bàn thêm với các ngân hàng nước ngoài vào sáng thứ Hai tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông tin chi tiết.

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng tín hiệu cũng như định hướng tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu trong thời gian tới cũng sẽ tạo thêm thuận lợi để nhà điều hành chính sách tiền tệ ổn định tỷ giá, cũng như những biện pháp mới phát huy hiệu quả hơn.

* “Khó khăn hiện tại chỉ là ngắn hạn”

Đây là thông điệp từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, tại diễn đàn trực tuyến nói trên, về những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải hiện nay. Theo Bộ trưởng, gói giải pháp mà Chính phủ triển khai đang phát huy hiệu quả và có chiều sâu trong dài hạn.

Ngoài cắt giảm đầu tư, chi tiêu công, thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm nhập siêu…, việc tập trung nguồn lực phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các dự án trọng điểm sẽ tạo được thế chủ động cho Việt Nam trong tương lai gần.

Ví dụ như trong quý 2/2009, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động, mở đầu cho khả năng đáp ứng 45% nhu cầu năng lượng loại này trong nước. Tương tự là các dự án sản xuất thép, điện, phân bón… “Đó là nguồn lực mà Việt Nam có thêm sự chủ động để ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.

Ở một khía cạnh khác, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần nhìn nhận về triển vọng phát triển và hấp dẫn đầu tư của Việt Nam ở lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự gia tăng của nguồn vốn này đi cùng với nhận định và niềm tin phát triển trong dài hạn.

Và thông điệp đưa ra tại cuộc đối thoại, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, là khó khăn hiện nay chỉ là ngắn hạn; các nhà đầu tư cần nhìn nhận và đánh giá chính xác về Việt Nam, từ đó có những quyết định đúng đắn; Chính phủ Việt Nam sẵn sàng trao đổi, hợp tác và chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, cũng như cam kết xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi.