Sẽ thanh tra thuế tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất
Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành quyết định thanh tra thuế đối với Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất.
Theo đó, quyết định được Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi ban hành ngày 20/12, theo đó sẽ thanh tra thuế tại Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (mã số thuế 4300793861) về các nội dung sau:
Thanh tra sau hoàn thuế Giá trị gia tăng; Thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế, gồm: Thuế Thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm nội dung thanh tra giá giao dịch liên kết), thuế Thu nhập cá nhân, thuế Tài nguyên, phí Bảo vệ môi trường, Thuế Nhà thầu nước ngoài; Thanh tra việc in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn; Ghi nhận việc trích và nộp các khoản đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Về thời kỳ thanh tra: Thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022. Thanh tra thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Tài nguyên, phí Bảo vệ môi trường, thuế Nhà thầu nước ngoài từ năm 2017 đến năm 2021. Thanh tra tình hình in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn từ năm 2017 đến năm 2021. Ghi nhận việc trích nộp BHXH, BHYT: Từ năm 2017 đến năm 2021.
Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được thành lập tháng 2/2017, vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng và là chủ đầu tư xây dựng, vận hành Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là dự án chiến lược quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á cho Tập đoàn Hòa Phát.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ bao gồm hệ thống cảng biển nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn cập bến, dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đi các thị trường trong và ngoài nước. Trong thời gian đến, Công ty sẽ triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn/ năm, có mức đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng cùng nhu cầu hơn 6.000 lao động với nhiều ngành nghề, trình độ chuyên môn
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021.
Đến ngày 20/6/2022, tỉnh Quảng Ngãi đã giải phóng mặt bằng 221,99ha, còn 57,81ha chưa giải phóng mặt bằng. Trong số diện tích chưa giải phóng mặt bằng, địa phương đã chi trả bồi thường 16,58ha (chưa bàn giao mặt bằng), 27,97ha chưa chi trả bồi thường, còn vướng mắc 13,25ha.
Liên quan đến hoạt động sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát, trong bối cảnh thị trường thép ảm đạm do nhu cầu thép giảm mạnh bởi suy thoái toàn cầu, tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11/2022.
Ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 tới, Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất. Từ đây đến cuối năm, Hòa Phát Dung Quất sẽ có 3 lò cao dừng hoạt động.
Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì - động thái này được Hòa Phát nhận định là để "mang tính sống còn của doanh nghiệp" trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2022, tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế ở mức âm 1.786 tỷ đồng, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm. Lĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn.
Lý giải trình trạng kinh doanh u ám, theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Quý 3/2022, doanh thu từ nông nghiệp tăng 10%, lợi nhuận tăng 32% so với cùng kỳ quý 3 năm 2021. Tính chung 9 tháng, mảng hoạt động này đã có lãi trở lại.
Đối với kết quả kinh doanh quý 4/2022, trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán KIS dự báo lợi nhuận ròng chỉ HPG chỉ vỏn vẹn 120 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều số lãi 7.400 tỷ cùng kỳ năm 2021.
Đồng thời, Chứng khoán Kis hạ 23% dự báo doanh thu và 66% dự báo về lợi nhuận ròng so với ước tính trước đó, lần lượt xuống mức 137.400 tỷ đồng và 10.600 tỷ đồng , tương ứng giảm 69% so với mức lãi ròng kỷ lục của năm 2021.
Từ triển vọng kém tích cực, Chứng khoán KIS tiếp tục giảm ước tính thu nhập của Hoà Phát giai đoạn 2023-2024 khoảng 48%-56% so với dự phóng trước đó. Lý do chính đến từ sản lượng tiêu thụ được cho sẽ giảm đáng kể, khoảng 12%-41% tùy thuộc vào từng sản phẩm trong bối cảnh nhu cầu được dự báo yếu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh số bán hàng sẽ yếu hơn vào năm 2023 và doanh số bán hàng bắt đầu phục hồi từ năm 2024.