Sếp Hòa Phát tuyên bố không ngại cạnh tranh với Formosa
Ông Trần Đình Long tiết lộ, Formosa phải đầu tư 12,5-13 tỷ USD, ứng với 1.700 USD/tấn công suất, còn Hoà Phát suất đầu tư khoảng 500 USD/tấn, bằng 1/3
Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán HPG) ngày 22/3 đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018. Các cổ đông đã biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.050 tỷ.
Trong quý 1/2018, doanh thu Hòa Phát ước đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận không dưới 2.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ dự án bất động sản Mandarin 2 đóng góp khoảng 100 tỷ đồng.
Cạnh tranh được với Formosa
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoà Phát cho biết, năm 2018 là năm tập đoàn dốc toàn lực cho Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất.
Cho đến nay Formosa là doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành thép có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Về khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp FDI này, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoà Phát Trần Tuấn Dương cho biết, tập đoàn tự tin, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp thép trên thế giới.
Năm 2017 Hoà Phát xuất khẩu 161.000 tấn thép các loại ra nước ngoài, trong đó đến các nước như Nhật, Úc, Châu Âu. Đối với Formosa, lãnh đạo Hoà Phát cho biết có thể cạnh tranh nhờ quy trình đầu tư bài bản và có suất đầu tư thấp hơn.
Ở khía cạnh suất đầu tư, ông Trần Đình Long tiết lộ, Formosa phải đầu tư 12,5-13 tỷ USD, ứng với 1.700 USD/tấn công suất, còn Hoà Phát suất đầu tư khoảng 500 USD/tấn, bằng 1/3 do đó Hoà Phát đủ tự tin cạnh tranh về chi phí với Formosa.
"Trong thời gian tới tuỳ tình hình thị trường Hoà Phát sẽ xin Chính phủ chủ trương mở rộng gấp đôi công suất khu gang thép Dung Quất và khi đó Hoà Phát sẽ là công ty sản xuất thép số 1 Việt Nam", ông Long nói.
Về vấn đề các nước áp thuế, lãnh đạo Hòa Phát cho biết họ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tập đoàn không bỏ trứng vào một giỏ, mà chia ra nhiều thị trường nhỏ lẻ, lấy số lượng đổi an toàn. Đặc biệt, xuất khẩu hiện nay của Hoà Phát chỉ chiếm 1-2% doanh thu cả năm.
Trong khi các cổ đông lo lắng về việc Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu thép mạnh sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam bởi Mỹ vừa công bố đánh thuế cao với thép Trung Quốc, lãnh đạo Hoà Phát cho rằng áp lực này có nhưng không lớn bởi trước đó, Mỹ cũng đã áp thuế rất cao với thép Trung Quốc.
Lợi nhuận đi ngang, bỏ ngỏ khả năng trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt
Năm 2018, doanh nghiệp này đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 8.050 tỷ, chỉ cao hơn chút so với mức 8.015 tỷ đồng năm 2017. Nhiều cổ đông thắc mắc về việc lợi nhuận đi ngang của tập đoàn.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết, năm 2018 tập đoàn chưa hoàn thành Khu liên hợp thép Hoà Phát Dung Quất hơn nữa phải đầu tư rất lớn vào đây, do đó tập đoàn chưa có gì mới ngoài nhà máy tôn mạ màu đi vào hoạt động. Mặt khác, khi một dòng sản phẩm mới đi vào hoạt động thì cần thời gian để thị trường ổn định, tỷ suất lợi nhuận chưa cao ngay.
Hòa Phát dự kiến chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 40% bằng cổ phiếu. Hòa Phát cũng trình đại hội cổ đông phương án trả cổ tức năm 2018 ở mức 30%, dựa trên vốn điều lệ 21.239 tỷ đồng (sau chia cổ tức 40% cho năm 2017). Tuy nhiên, tài liệu không nói rõ việc trả cổ tức trên được thực hiện bằng cổ phiếu hay tiền mặt.
Về vấn đề này, ông Long cho biết, với quy mô lớn của Khu liên hợp thép Hoà Phát Dung quất, tập đoàn cần cố gắng, huy động nguồn lực rất lớn. Công ty đang đầu tư xây dựng cơ bản, cần dồn tiền để đầu tư. Ông Long không trả lời trực tiếp câu hỏi của cổ đông là trả cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu song ông có nói rằng, với các công ty đang đầu tư mạnh như Hoà Phát thì xu hướng là trả cổ tức bằng cổ phiếu.