Siết quản lý quỹ ngoài ngân sách
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định kiên quyết siết lại quản lý quỹ ngoài ngân sách
Tại cuộc họp của Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội với Chính phủ về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018 vừa diễn ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định kiên quyết siết lại quản lý quỹ ngoài ngân sách.
"Trong thời gian tới, Chính phủ xác định, sẽ tăng cường quản lý đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đưa hoạt động của các quỹ đi vào thực chất, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; đồng thời, tập trung rà soát và sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Sáp nhập các quỹ trùng lặp về nhiệm vụ
Để thực hiện mục tiêu này, ông Dũng cho hay, Chính phủ sẽ kiên quyết dừng hoạt động, giải thể hoặc cơ cấu lại đối với các quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động hiệu quả hoặc quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước. Sáp nhập các quỹ trùng lặp mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ để giảm đầu mối, tập trung nguồn lực và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đặt ra.
Đối với việc thành lập quỹ tài chính nhà nước mới, sẽ chỉ thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc thực hiện nêu trên, Chính phủ xác định, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát các văn bản, quy định có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động của quỹ tài chính nhà nước để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về các nguyên tắc quan trọng chủ yếu trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước.
Theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện rà soát các quỹ trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, từng bước chuyển thành nhiệm vụ chi ngân sách gồm Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích...
Trong đó, với Quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia cần xem xét chuyển các nhiệm vụ chi hỗ trợ, tài trợ không hoàn lại của quỹ thành nhiệm vụ chi của ngân sách, có lộ trình cắt giảm, tiến tới dừng bố trí chi ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động của quỹ. Bộ Giao thông – Vận tải thực hiện rà soát, cơ cấu lại bộ máy quản lý của Quỹ bảo trì đường bộ ở Trung ương và địa phương...
Đối với một số lĩnh vực đặc thù như ngoại giao, thì Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giải thể Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Pháp luật hóa các quy định Luật Ngân sách
Qua thực tế giám sát tại 19 quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý, đồng thời tổ chức 2 Đoàn giám sát đến làm việc tại các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa và Hưng Yên thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, bên cạnh một số quỹ hoạt động khá hiệu quả, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ, chức năng được giao, còn nhiều quỹ hoạt động kém hiệu quả, việc quản lý, sử dụng chưa chặt chẽ, việc kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc rút kinh nghiệm chưa thực sự được quan tâm.
Hiệu quả hoạt động của một số quỹ chưa cao, chưa có hiệu quả hoặc căn cứ để đánh giá hiệu quả không rõ ràng. Một số quỹ chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý và dư nguồn tại nhiều quỹ ở Trung ương và địa phương còn lớn. Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng cho thấy nhiều hạn chế, trong đó có tình trạng một số quỹ có phương thức thu, mức thu tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khá phức tạp, chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015 nhằm điều chỉnh các nguyên tắc chung về quỹ ngoài ngân sách.
Khái niệm các quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện chưa được quy định rõ ràng và thiếu thống nhất dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khi đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật, hiện chưa có cơ quan cả ở Trung ương và địa phương thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Nguồn thu của một số quỹ tài chính ngoài ngân sách còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc có nguồn thu trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước, các nguồn thu khác không đáng kể, trái với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.