Số ca đột quỵ sẽ tăng vọt ở châu Á?
Báo cáo mới đây của Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO) cho biết, số người tử vong vì đột quỵ trên toàn thế giới sẽ tăng tới 50% vào năm 2050, nếu các chính phủ và cơ quan hữu trách không có biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế tỷ lệ người mắc đột quỵ và các nguy cơ đi cùng…
WSO là tổ chức phi chính phủ được thành lập để dự báo các tác động kinh tế và dịch tễ học của chứng đột quỵ. Nghiên cứu của nhóm cho thấy, nhiều triệu chứng mất ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ ở những người dưới 50 tuổi. Cũng theo báo cáo này - được công bố trên tạp chí y học The Lancet - số người đột quỵ cũng như số người chết hoặc tàn tật do đột quỵ đã tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua.
Tiến sĩ Sheila Martins, Chủ tịch WSO, cho biết trong một tuyên bố: “Sự thiếu hụt dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ trên toàn thế giới hiện rất nghiêm trọng. Chúng ta cần sự cải thiện mạnh mẽ ngay bây giờ chứ không phải trong 10 năm tới”. Báo cáo cho biết, khoảng 91% số ca tử vong do đột quỵ dự kiến xảy ra ở nhóm nước thu nhập thấp và trung bình. Tiến sĩ Mayowa Owolabi của Đại học Ibadan ở Nigeria, đồng Chủ tịch WSO lưu ý, cả những người sống ở mức nghèo khổ tại các nước thu nhập cao như Hoa Kỳ vẫn có nguy cơ cao chết vì đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu của WSO đã tiến hành phân tích định tính, dựa trên thông tin từ các cuộc phỏng vấn với 12 chuyên gia về đột quỵ, từ 6 quốc gia có thu nhập cao và 6 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, với trọng tâm là các yếu tố như tăng trưởng dân số và lão hóa. Nhóm nhận thấy có các rào cản chính đối với việc giám sát, phòng ngừa, chăm sóc và phục hồi bệnh nhân đột quỵ bao gồm: nhận thức thấp về nguyên nhân và nguy cơ kèm theo, như tiểu đường, chỉ số cholesterol cao, béo phì, chế độ ăn uống kém và hút thuốc.
Xét theo khu vực, GS Jeyaraj Pandian, Chủ tịch vừa đắc cử của Tổ chức Đột quỵ thế giới, cho biết châu Á luôn chiếm tỉ lệ lớn nhất trên bản đồ tử vong do đột quỵ và dự kiến đến năm 2050, 69% ca tử vong do đột quỵ sẽ đến từ châu Á.
Xét theo khu vực nhỏ hơn, ba khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương bị lưu ý đặc biệt. Trong năm 2020 ba vùng này đã có tới 3,1 triệu ca đột quỵ và sẽ tăng lên 4,9 triệu ca vào năm 2050, tức chiếm một nửa số ca của cả thế giới. Điều này phù hợp với nhiều cảnh báo trước đó từ các nước châu Á, nơi bệnh cao huyết áp phổ biến vì thói quen ăn mặn.
Cùng với sự gia tăng mạnh số người tử vong vì đột quỵ, WSO dự đoán chi phí điều trị và hỗ trợ người mắc bệnh này cũng có thể tăng hơn gấp rưỡi, từ 891 tỉ USD ở năm 2020 lên 2,3 nghìn tỉ USD vào năm 2050. Các cộng đồng ở châu Phi và châu Á sẽ chịu tác động chính từ những thay đổi này.
Trước đó, một nghiên cứu mới cũng chỉ ra các triệu chứng mất ngủ (khó ngủ, hoặc thức giấc quá sớm) trong xã hội hiện đại có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn. Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Wendemi Sawadogo cho biết: "Về chức năng sinh học, giấc ngủ là chìa khóa để xử lý ký ức, sửa lỗi tế bào và đào thải các chất độc tích tụ trong ngày. Vì vậy, khi xảy ra trục trặc trong hệ thống cơ thể, dẫn tới rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe", TS. Sawadogo cho biết thêm.
Mối liên quan giữa các triệu chứng mất ngủ và đột quỵ thể hiện rõ ràng hơn ở đối tượng trẻ tuổi, cụ thể người có từ 5 đến 8 triệu chứng thì có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần so với những người không có triệu chứng. Với nhóm từ 50 tuổi trở lên, người có triệu chứng mất ngủ thì có nguy cơ đột quỵ cao hơn 38% so với những người không có triệu chứng. Những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim và trầm cảm cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
Tiến sĩ Rajkumar Dasgupta, chuyên gia về giấc ngủ tại Học viện y học giấc ngủ Mỹ, người không thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: "Kết quả nghiên cứu mới cho thấy rằng nếu chúng ta tập trung quan tâm tới những ca khó ngủ bằng các liệu pháp hành vi nhận thức, thì chúng ta có thể giảm được số ca đột quỵ. Đây là một nghiên cứu quan trọng để nhấn mạnh ý nghĩa của việc xác định và điều trị mất ngủ nhằm giúp giảm tỷ lệ đột quỵ".
Tại một số khu vực như châu Á và châu Phi, các chuyên gia cho rằng lối sống căng thẳng từ xã hội hiện đại, lo âu và stress sau đại dịch và sự thay đổi nhiệt độ hàng ngày lớn và độ ẩm cao do biến đổi khí hậu… đều có liên quan đến gia tăng tỷ lệ nhập viện do đột quỵ.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Đột quỵ TP.HCM năm 2023, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, chủ tịch Hội, cho biết việc điều trị đột quỵ tại nước ta đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ bao phủ lượng bệnh nhân ngày một tăng. Theo ông Thắng, mỗi năm nước ta có trên 200.000 bệnh nhân mắc bệnh này, trong khi đó chỉ có 100 trung tâm đột quỵ. Bên cạnh đó, do chưa làm tốt cấp cứu trước viện nên người dân chưa nhận biết được triệu chứng đột quỵ, còn tin vào các phương pháp điều trị dân gian, làm trì hoãn thời gian vàng điều trị.
"Mỗi đơn vị điều trị đột quỵ phải điều trị ít nhất 2.000 bệnh nhân mỗi năm. Điều này đã quá tải vì theo chuẩn mực thế giới, một trung tâm đột quỵ chỉ nên điều trị khoảng 500 ca/năm", ông Thắng nói, đồng thời khuyến cáo bệnh nhân từ trên 60 tuổi nên làm xét nghiệm thường quy, ít nhất mỗi năm/lần nhằm phát hiện sớm để đưa ra phương án phòng tránh, điều trị tốt bệnh đột quỵ. Lưu ý là người dân không được nhầm lẫn giữa điều trị phòng ngừa với các chiến dịch tầm soát được quảng cáo rầm rộ với chi phí đắt đỏ, gây tốn kém mà không cần thiết.
"Không ai đi chụp MRI, CT-Scan cho tất cả những người bình thường để tầm soát. Đôi khi vô tình phát hiện trong đầu có một túi phình nhỏ, can thiệp quá mức đôi khi trở nên đột quỵ do lo sợ quá mức. Người bệnh chỉ cần gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá yếu tố nguy cơ cơ bản, đơn giản, không tốn kém nhiều mà mang lại hiệu quả", PGS Thắng nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, PGS - TS Nguyễn Hoàng Ngọc (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) đã trao đổi về dự phòng tái phát sau đột quỵ, trong đó, dự phòng cần theo căn nguyên, và cần kiểm soát yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu; đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống. Các biện pháp giúp giảm nguy cơ tái phát đột quỵ như: kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...
Ngày 29/10 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là Ngày thế giới phòng, chống bệnh đột quỵ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ - một bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.