Phấn đấu sạch Covid, Trung Quốc đến bao giờ mới có thể mở cửa trở lại?
Chiến lược không có ca nhiễm đã giúp mang lại sự phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở khu vực Đông Á trong giai đoạn đầu của đại dịch. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng chiến lược này có thể trở thành một “cục nợ”...
Cam kết của Trung Quốc về phấn đấu không còn ca nhiễm Covid-19 đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải tiếp tục đóng cửa với thế giới bên ngoài cho tới ít nhất cuối năm nay – theo tờ Financial Times.
Thậm chí, giới phân tích cho rằngTrung Quốc có thể đợi sang năm 2022 mới cho người nước ngoài nhập cảnh vào nước này, cho dù dự kiến đến cuối năm nay tỷ lệ dân số Trung Quốc được tiêm phòng Covid đạt khoảng 80%.
“Ở Trung Quốc, một khi chủ trương đã được đưa ra thì rất khó để xoá bỏ. Chiến lược không có ca nhiễm đã phát huy tác dụng trong một thời gian dài, nên rất khó để chuyển sang chiến lược mở cửa”, giáo sư Xi Chen thuộc Trường Y tế cộng đồng, Đại học Yale nhận định.
Chiến lược không có ca nhiễm đã giúp mang lại sự phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở khu vực Đông Á trong giai đoạn đầu của đại dịch. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng chiến lược này có thể trở thành một “cục nợ” nếu các chính phủ không thể đưa ra được chiến lược rõ ràng để mở cửa trở lại.
Bất chấp một số trở ngại, một số châu Âu và Bắc Mỹ đã chấp nhận vẫn có số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức thấp và bắt đầu nới các hạn chế đi lại. Cách làm này có thể hỗ trợ cho sự phục hồi của kinh tế thế giới từ đại dịch – tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định trong một báo cáo mới đây.
Trung Quốc ở một vị thế tốt hơn so với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới để theo đuổi chiến lược không có ca nhiễm Covid, vì nước này có mức độ phụ thuộc thấp hơn vào các dòng vốn xuyên biên giới và lao động nước ngoài, đồng thời lại có lĩnh vực xuất khẩu mạnh - theo EIU.
Tuy nhiên, để nền kinh tế trở lại đúng với tiềm năng tăng trưởng, Trung Quốc vẫn cần nối lại hoạt động đi lại quốc tế - theo các nhà phân tích. Điều này càng trở nên cấp bách hơn khi Trung Quốc chuẩn bị đăng cai Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 năm sau.
“Sự kiện này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn cả Thế vận hội mùa hè Tokyo, vì trong mùa đông, virus lây dễ dàng hơn”, ông Chen nói.
Gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu đề cập thường xuyên hơn đến sự cần thiết của hộ chiếu vaccine để cho phép xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh hầu như chưa ký thoả thuận về vấn đề này với các quốc gia khác do vấn đề công nhận vaccine lẫn nhau.
Trung Quốc hiện chưa cấp phép cho bất kỳ vaccine Covid-19 nào của nước ngoài, cho dù vaccine công nghệ mRNA của BioNTech/Pfizer và của Moderna có hiệu quả thử nghiệm lâm sàng đạt khoảng 95%, cao hơn so với hiệu quả của vaccine sử dụng công nghệ virus bất hoạt của hai hãng dược Trung Quốc Sinopharm và Sinovac. Các vaccine của Trung Quốc cũng chưa được công nhận ở bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Hiện Trung Quốc vẫn duy trì các quy định ngặt nghèo đối với người nước ngoài nhập cảnh vào nước này, bao gồm xét nghiệm Covid bắt buộc và ít nhất hai tuần cách ly tại khách sạn theo quy định của chính quyền. Cùng với đó, Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác với những kẽ hở trong hàng rào chống dịch. Các địa phương được yêu cầu không được lơ là cho dù tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh.
Đến hiện tại, khi khoảng một nửa dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng Covid, một số thành phố nhỏ của nước này bắt đầu hạn chế việc người dân chưa tiêm vaccine được vào bệnh viện, nhà ga đường sắt và siêu thị.
Những ổ dịch mới, dù nhỏ, cũng dẫn tới phong toả tại khu vực. Thuỵ Lệ, một thành phố ở tỉnh Vân Nam, mới đây áp đợt phong toả thứ tư sau khi phát hiện một số ca nhiễm Covid.
Tháng trước, một ổ dịch với hơn 150 ca nhiễm ở Quảng Đông, bao gồm một số ca mắc biến chủng Delta, được cho là có liên quan tới người nhập cảnh vào Trung Quốc. Ngay lập tức, thành phố Quảng Châu tiến hành tổ chức một khu vực cách ly dành cho người nước ngoài nhập cảnh với 5.000 phòng và thiết bị giám sát y tế công nghệ cao.
Ông Li Bin, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói rằng sự xuất hiện của biến chủng Delta ở Quảng Đông và Vân Nam là lời nhắc nhở rằng để ngăn chặn sự trỗi dậy của virus, các địa phương “không được lơ là dù chỉ một giây”.