10:18 11/02/2009

“Số cổ phiếu bị kiểm soát có thể còn tăng”

Trần Việt

Nhận định của đại diện HOSE về khả năng nhiều cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát

"Khả năng số cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát tăng lên là rất cao do còn tới 45 doanh nghiệp niêm yết xin chậm nộp báo cáo tài chính năm" - Ảnh: Việt Tuấn.
"Khả năng số cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát tăng lên là rất cao do còn tới 45 doanh nghiệp niêm yết xin chậm nộp báo cáo tài chính năm" - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhận định của bà Trần Anh Đào, Trưởng phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM về khả năng có nhiều cổ phiếu bị đưa vào diện bị kiểm soát trên HOSE.

Nếu tính cả cổ phiếu BTC bị kiểm soát từ năm 2005, tới đến thời điểm này, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đã đưa vào diện bị kiểm soát tới 7 cổ phiếu, riêng ngày 9/2 có tới 4 cổ phiếu là REE, BHS, VTA, VHG.

Theo bà Trần Anh Đào - Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết thuộc HOSE, khả năng số cổ phiếu bị kiểm soát có thể còn tiếp tục tăng lên.

Thưa bà, trong trường hợp nào thì các cổ phiếu sẽ bị đưa vào diện kiểm soát trên HOSE?

Theo quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE, có 3 nhóm trường hợp đưa vào diện bị kiểm soát. Nhóm 1 gồm: tổ chức niêm yết không đáp ứng được điều kiện niêm yết trên HOSE như: kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, có nợ quá hạn trên 1 năm, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, không đáp ứng được số lượng cổ đông công chúng.

Nhóm 2 gồm tổ chức niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin. Nhóm 3, liên quan chứng khoán không có giao dịch trong vòng 90 ngày.

Bà đánh giá thế nào về 7 cổ phiếu bị kiểm soát tại HOSE hiện nay?

Hiện nay, trên HOSE có 7 cổ phiếu bị kiểm soát, bao gồm: Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu, đã bị kiểm soát từ năm 2005(BTC), Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT), bị kiểm soát từ giữa năm 2008 và hiện đang bị hạn chế giao dịch; có 5 cổ phiếu mới bị đưa vào diện kiểm soát là Công ty Cổ phần nước giải khát Tribeco (TRI), Công ty Cổ phần cơ điện lạnh (REE), Công ty Cổ phần Vitaly (VTA), Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS), và Công ty Cổ phần Đầu tư và sản xuất Việt Hàn (VHG).

Hiện nay, các cổ phiếu bị đưa vào kiểm soát trên HOSE chủ yếu thuộc vào nhóm 1, nhóm các công ty có kết quả kinh doanh lỗ. Tuy nhiên, mức lỗ của các công ty này cũng ở mức độ khác nhau.

Ví dụ như VTA thì lỗ 2 tỷ đồng, nhưng REE lỗ hơn 152 tỷ đồng, TRI lỗ hơn 140 tỷ đồng. Vì vậy, nhà đầu tư cần chú ý xem xét nguyên nhân nào dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ này.

VTA và BBT lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh kém, còn REE lỗ do phải trích lập dự phòng do giá chứng khoán giảm nhưng hoạt động kinh doanh chính vẫn diễn ra bình thường.

Đối với các chứng khoán bị kiểm soát, Sở sẽ theo dõi và yêu cầu doanh nghiệp cập nhật thông tin thường xuyên ra thị trường, đặc biệt tập trung vào những vấn đề khúc mắc của công ty để nhà đầu tư lưu ý.

Chẳng hạn như BBT nợ nhiều thì chúng tôi thường xuyên công bố thông tin về số nợ của công ty này, chi tiết nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, nợ quá hạn là bao nhiêu...

Do tình hình đặc biệt của năm 2008, nên khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính năm mà kết quả lỗ là chúng tôi đã đưa vào diện kiểm soát ngay, mà không chờ đến khi có kết quả kiểm toán như quy định.

Nếu kết quả kiểm toán báo cáo tài chính là lãi thì doanh nghiệp sẽ ra khỏi diện kiểm soát, nhưng điều này rất khó xảy ra, vì khi doanh nghiệp đã hạch toán lỗ, thì kiểm toán vào làm việc khó mà chuyển lỗ thành lãi được.

Với tình hình này thì liệu có bao nhiêu cổ phiếu nữa sẽ bị đưa vào diện kiểm soát nữa, thưa bà?

Khả năng số cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát tăng lên là rất cao do còn tới 45 doanh nghiệp niêm yết xin chậm nộp báo cáo tài chính năm.

Bà đánh giá thế nào về việc hàng loạt công ty công bố lỗ trong quý 4, trong khi kết quả của quý 3 vẫn rất tốt đẹp, liệu có đáng tin cậy không?

Đúng là nhiều công ty đã dồn lỗ vào quý 4/2008. Bên cạnh tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, còn có nguyên nhân từ việc hạch toán kế toán của công ty.

Trong khi HOSE đã có công văn nhắc nhở các công ty niêm yết phải trích lập dự phòng hàng tồn kho, dự phòng tài chính, và hạch toán các khoản chi phí đầy đủ từ các quý trong năm, nhưng các công ty vẫn chưa nghiêm túc thực hiện.

Như trường hợp Công ty Cổ phần Nước giải khát Tribeco (TRI) vừa qua, chúng tôi đánh giá là rất nghiêm trọng bởi khi quý 4, công ty này mới báo cáo lỗ. Số lỗ còn cao hơn toàn bộ vốn chủ sở hữu, trong khi hết tháng 9 công ty vẫn báo cáo lãi.

Như vậy chứng tỏ, công ty đã chưa trung thực trong công bố thông tin. Chúng tôi sẽ làm việc thêm với Tribeco, sau đó chuyển hồ sơ ra Ủy ban Chứng khoán để tiếp tục xử lý theo quy định.

Bà có lời khuyên gì với nhà đầu tư khi cổ phiếu họ nắm giữ bị đưa vào diện kiểm soát vì kinh doanh thua lỗ?

Nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ nguyên nhân công ty lỗ phát sinh từ đâu, khả năng khôi phục khoản lỗ như thế nào. Như trường hợp REE lỗ chủ yếu là do đầu tư tài chính còn hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty vẫn tốt.

VTA lỗ do năm 2008 họ vay vốn lưu động với lãi suất cao trong khi hàng sản xuất ra không bán được buộc phải ngừng sản xuất. Ngày 12/2/2009, VTA sẽ đưa nhà máy vào sản xuất trở lại. BHS lỗ do dự phòng tài chính và cả chi phí sản xuất tăng cao.

Nói chung nhà đầu tư không nên hốt hoảng, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân trước khi đưa ra các quyết định và cập nhất thường xuyên những thông tin về công ty, nhất là những thông tin mà Sở yêu cầu công ty công bố.

Khi nào một công ty thoát khỏi diện bị kiểm soát thưa bà? Nếu quý tới công ty có lãi thì cổ phiếu của công ty có tiếp tục bị kiểm soát?

Khi công ty khắc phục hết các nguyên nhân dẫn đến bị kiểm soát thì tình trạng bị kiểm soát sẽ được dỡ bỏ. Riêng đối với trường hợp lỗ, do kết quả kinh doanh một quý không phản ánh hết tính mùa vụ, chu kỳ kinh doanh đặc thù kinh doanh của mỗi công ty, nên chúng tôi căn cứ vào báo cáo năm có kiểm toán.

Nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm tiếp theo của doanh nghiệp có lãi thì công ty sẽ được đưa ra khỏi diện kiểm soát. Dự kiến, cổ phiếu BTC sẽ được đưa ra khỏi diện kiểm soát sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2008.