15:51 10/03/2023

Đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam chỉ bằng 1/8 so với chủ thể nước ngoài

Nhĩ Anh

Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động (thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng và nhãn hiệu) nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao...

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn 2013- 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,11%/năm. Trong khi đó, các chủ thể nước ngoài có tổng số đơn đăng ký sáng chế là 55.774 đơn, cao hơn so với chủ thể Việt Nam (7.012 đơn).

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của số đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam đang tăng lên nhanh hơn so với đơn của chủ thể nước ngoài.

Thực tế này cho thấy, các tổ chức, cá nhân trong nước bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đối tượng sở hữu trí tuệ này. Đồng thời, tổng số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích trong 1 thập kỷ vừa qua của chủ thể Việt Nam lớn gấp hơn 2,27 lần so với đơn của chủ thể nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam là 8,82%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng của chủ thể nước ngoài (4,74%).

Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã nộp từ 2013 đến 2022 của chủ thể người Việt Nam và chủ thể người nước ngoài
Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã nộp từ 2013 đến 2022 của chủ thể người Việt Nam và chủ thể người nước ngoài

Đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã nộp, tổng số đơn đăng ký được nộp của chủ thể Việt Nam giai đoạn 10 năm gần nhất cao hơn 62,3% lần so với chủ thể nước ngoài.

Về số đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia đã nộp và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp, trong giai đoạn 2013- 2022, tổng số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của người nộp đơn Việt Nam cao hơn lần lượt là 4,28 và 8,23 lần so với người nộp đơn nước ngoài.

So sánh với hai loại tài sản trí tuệ khác là sáng chế và kiểu dáng công nghiệp thì các chủ thể Việt Nam giành sự quan tâm nhiều hơn cho tài sản nhãn hiệu.

Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã nộp từ 2013 đến 2022 của người Việt Nam và người nước ngoài
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã nộp từ 2013 đến 2022 của người Việt Nam và người nước ngoài

Về hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng và quyền sở hữu, trong 10 năm qua (2013-2022), số lượng đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là 1.887 đơn và số lượng đơn đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp là 10.640 đơn.

NÂNG CAO NĂNG LỰC HẤP THỤ CÔNG NGHỆ, KHAI THÁC HIỆU QUẢ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ nói riêng trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và từng địa phương.

Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá, số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế giai đoạn 2017- 2022 từ chủ thể doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học tăng nhanh so với giai đoạn 2013-2016 chứng tỏ năng lực hấp thu công nghệ, sáng chế của các doanh nghiệp Việt Nam tăng đáng kể, công tác nghiên cứu đã gắn kết nhiều hơn với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, số lượng sáng chế chỉ bằng 1/8 so với chủ thể nước ngoài. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động (thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng và nhãn hiệu) nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, số lượng đối tượng sở hữu trí tuệ chuyển giao (trong đó có sáng chế) quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trí tuệ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp. Điều này chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác tài sản trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng chưa thực sự hiệu quả.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, đại diện Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ tư vấn cho rằng năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; nhiều kết quả nghiên cứu được tạo ra chưa gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, sự hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chưa được chặt chẽ; liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh còn yếu.

 
Năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 140.903 đơn các loại (tăng 7,1% so với năm 2021), bao gồm 78.086 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 3,3% so với năm 2021) và 62.817 các loại đơn và yêu cầu khác (tăng 12,1% so với năm 2021).
Cục đã xử lý được 113.906 đơn các loại, trong đó có 65.466 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (giảm 12,2% so với năm 2021) và 48.440 đơn/yêu cầu khác (tăng 3,4% so với năm 2021); cấp 42.279 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 8,3% so với năm 2021)7. Kết thúc xử lý 1.572 đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (tăng 18% so với năm 2021).
Trong năm 2022, cả nước có có 1.430 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 18 tỉ đồng, tăng gần 30% về số vụ và 35% tổng số tiền phạt so với năm 2021 (1.109 vụ với tổng số tiền phạt là 13.294.029.000 đồng).