15:45 16/03/2023

Số và Xanh có thể song hành?

PGS. TS. Võ Đình Trí *

Chuyển đổi số và hướng đến nền kinh tế xanh đang là mục tiêu của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Để thực hiện được các mục tiêu này không chỉ đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn mà còn là sự hiệu quả trong phối hợp triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cũng có một số thách thức khác nếu muốn thực hiện cả hai chiến lược chuyển đổi cùng một lúc...

Kinh tế xanh là một xu hướng ngày càng tất yếu, được dẫn dắt bởi các nền kinh tế đã phát triển. Những thành công trong việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, cân bằng khí thải cũng là đạt được những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cùng lúc đó, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng theo sự phát triển của công nghệ, theo nhu cầu của xã hội.

CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ KINH TẾ XANH

Trong chuyển đổi số, khía cạnh bền vững, thân thiện với môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Trước tiên là vấn đề tiêu thụ năng lượng trong chuyển đổi số. Theo một ước tính, ngành ICT chiếm khoảng 5-9% tổng lượng điện năng tiêu thụ toàn cầu và khoảng 3% lượng khí thải. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của ngành ICT ngày càng tăng cùng với số lượng thiết bị, hệ thống mạng, các trung tâm dữ liệu, các tài sản số hóa. Năng lượng cần thiết để cung cấp còn tăng theo số lượng các nền tảng trực tuyến, các công cụ tìm kiếm trên internet, công nghệ thực tế ảo, hay phát trực tiếp (streaming) âm nhạc, videos.

PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris), AVSE Global.
PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris), AVSE Global.

Chỉ đến gần đây khi khủng hoảng giá năng lượng xảy ra và an ninh năng lượng trở thành một ưu tiên thì tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng mới được quan tâm nhiều hơn. Việc sử dụng năng lượng tái tạo từ mặt trời, từ sức gió được khuyến khích và có nhiều thiết bị tương thích hơn. Trường hợp ngành tài sản mã hóa (crypto assets) vốn bị chỉ trích tiêu thụ rất nhiều năng lượng, đã có những chuyển đổi từ phương pháp xác thực PoW sang PoS, hay một xu hướng đang nổi là ZK-rollups để giảm yêu cầu tính toán của hệ thống máy tính, từ đó giảm tiêu thụ điện năng.

Vấn đề thứ hai trong chuyển đổi số là rác thải điện tử và khí thải từ việc áp dụng chuyển đổi số. Ước tính đến năm 2030, rác thải điện tử trên toàn thế giới sẽ vào khoảng 75 triệu tấn. Ngay cả EU là một khu vực kinh tế phát triển mà chỉ có 17,4% rác thải điện tử được xử lý và tái chế đúng quy cách. Việc thay đổi công nghệ, cập nhật hệ thống phần mềm cũng khiến cho nhiều thiết bị điện tử trở nên vô dụng, minh chứng rõ ràng nhất là điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính.

Tuy vậy, chuyển đổi số cũng góp phần trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm ô nhiễm và tái tạo sự đa dạng sinh học. Thông qua việc giám sát, đo lường, báo cáo, tự động hóa thì công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng có thể góp phần không nhỏ vào giảm thiểu khí thải, tạo ra các quy trình, sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. Ví dụ như dữ liệu trao đổi theo thời gian thực, các máy tính có tốc độ xử lý siêu nhanh (quantum), vũ trụ ảo (metaverse) đã cho thấy vai trò của chuyển đối số trong chuyển đổi xanh.

LIỆU CÓ KHẢ THI Ở NHỮNG NỀN KINH TẾ MỚI NỔI?

Việc chuyển đổi cùng lúc sang kinh tế xanh và số hóa sẽ khả thi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nổi bật là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện sẽ có những thách thức không hề đơn giản.

Ví dụ như EU, chiến lược chuyển đổi theo hướng nền kinh tế xanh cần một khoản đầu tư mỗi năm xấp xỉ 520 tỷ EUR, trong vòng cả một thập kỷ. Trong số này, 390 tỷ EUR là dành cho việc phi carbon hóa (decarbonisation) và phần còn lại là dành cho các mục tiêu môi trường khác. Còn về chuyển đổi số thì một khoản đầu tư hàng năm cần thiết ước tính cũng phải khoảng 125 tỷ EUR mỗi năm.

Như vậy, nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và chuyển đổi số là không hề nhỏ. Nguồn vốn này phải tìm từ đâu? Trong mô hình tăng trưởng mới đây của EU, nguồn vốn ưu tiên sẽ đến từ khu vực tư nhân và các chính phủ sẽ tạo điều kiện, tạo môi trường để thu hút đầu tư, cùng với khoản đầu tư đối ứng của mình.

Với cách tiếp cận này, các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, rất khó áp dụng được, vì điều kiện kinh tế và công nghệ chưa đủ. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh hay chuyển đổi số còn bị phụ thuộc nhiều vào nguồn lực từ bên ngoài, như đầu tư nước ngoài hay các chương trình hỗ trợ, viện trợ.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2023 phát hành ngày 13-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Số và Xanh có thể song hành? - Ảnh 1