Sở Y tế kiến nghị Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi
Chiều 11/8, trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi và ban hành kế hoạch chủ động ứng phó…
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), 3 ca trẻ em mắc bệnh sởi tử vong rải rác từ tháng 6 đến nay.
Ngoài ra, số ca mắc bệnh sởi bắt đầu tăng từ cuối tháng 5 đến nay và tuần gần nhất đã có đến 60 ca sốt phát ban nghi mắc sởi/tuần. Có 3 quận huyện có số ca sởi cao nhất trong Thành phố là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 4/8, đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính, hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại Thành phố.
Chỉ tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh, có đến 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, cả Thành phố chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.
Hiện, toàn Thành phố đã có 48 phường, xã trên 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định, 8 quận, huyện có từ 2 phường xã trở lên có ca bệnh. Trong 116 ca xác định có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho biết, trước nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TP. Hồ Chí Minh, ngành y tế Thành phố đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố tổ chức một chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi không kể tiền sử tiêm chủng cho những trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn.
Đồng thời, HCDC khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vaccine sởi).
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vaccine sởi - rubella).
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, nếu phát hiện con trẻ vừa bị sốt phát ban, phụ huynh cần hạn chế không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Tốt nhất phụ huynh nên cho con ở nhà để cách ly, theo dõi, nếu phát ban ngày càng tăng kèm theo ho, sổ mũi, cần đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán đúng bệnh.
Bên cạnh đó, cha mẹ giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và giữ vệ sinh môi trường, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ho, người bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay, mang khẩu trang để tránh lây lan bệnh.
Với những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Các bậc cha mẹ hãy liên hệ trạm y tế nơi trẻ đang cư trú để biết lịch tiêm phòng vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.