16:29 13/10/2009

“Sóng” có nổi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3?

Duy Cường

Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 3 sẽ khả quan và sẽ tiếp tục nâng bước thị trường đi lên

"Đòn bẩy tài chính giúp tăng giá trị giao dịch và tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng đòn bẩy tài chính giống như con dao hai lưỡi mà rủi ro của nó mọi người đã thấy rõ ràng trong đợt khủng hoảng 2008".
"Đòn bẩy tài chính giúp tăng giá trị giao dịch và tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng đòn bẩy tài chính giống như con dao hai lưỡi mà rủi ro của nó mọi người đã thấy rõ ràng trong đợt khủng hoảng 2008".
Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 3 sẽ khả quan và sẽ tiếp tục nâng bước thị trường đi lên.

Thực tế, việc dòng tiền đổ vào thị trường thời gian qua một phần lại xuất phát từ đòn bẩy tài chính, chứ không hoàn toàn là từ nguồn tiền của nhà đầu tư. Vì vậy, vẫn còn những lo ngại về “con dao hai lưỡi” khi sử dụng đòn bẩy tài chính.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt (AVSC), nói:

- Thị trường chứng khoán đã có một tháng giao dịch rất thành công trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, với những giá trị giao dịch lên đến 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên. Tôi cho rằng thị trường có tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy cũng một phần là do đòn bẩy tài chính đã được sử dụng và hiện nay đang được sử dụng ở mức cao.

Điều này thấy rõ qua việc hàng loạt công ty chứng khoán đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ vốn, cho vay 50%, thậm chí lên đến 100%, 300% tỷ lệ ký quỹ.

Đòn bẩy tài chính giúp tăng giá trị giao dịch và tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng đòn bẩy tài chính giống như con dao hai lưỡi mà rủi ro của nó mọi người đã thấy rõ ràng trong đợt khủng hoảng 2008.

Khi đòn bẩy tài chính liên tục được sử dụng thì sẽ đẩy thị trường tăng nóng. Nhà đầu tư sẽ kỳ vọng thu lợi lớn hơn mà ít chú ý đến yếu tố nội tại của doanh nghiệp như hiệu quả sản xuất - kinh doanh và các yếu tố vĩ mô.

Khi đó, thị trường sẽ rơi vào tình trạng bong bóng và có nguy cơ “xẹp” ở bất cứ lúc nào. Hệ quả là nhà đầu tư không những không đạt được kỳ vọng mà còn bị âm vốn.

Mặt khác, khi xảy ra tình trạng bong bóng của thị trường chứng khoán thì còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế: ngân hàng thiếu vốn, doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất vì dòng tiền bị hút vào chứng khoán, cơ quan chức năng sẽ phải can thiệp với hàng loạt biện pháp nhằm giảm tín dụng bơm vào thị trường…. Điều này sẽ tác động lên sức khỏe của nền kinh tế.

Theo ông, liệu có thể xảy ra đợt sóng lên điểm khi báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 được công bố? Và định vị VN-Index sẽ ở vùng giá trị nào?

Thị trường trong tháng 9 đã tăng khá mạnh với những giá trị kỷ lục về giao dịch liên tục được thiết lập.

Trong đó sự kỳ vọng vào lợi nhuận kết quả kinh doanh tốt trong quý 3 đã được thể hiện vào đợt tăng điểm vừa rồi nên sẽ khó tạo thêm những con sóng mới trên thị trường nếu không có thêm thông tin tích cực từ Chính phủ và cơ quan chức năng như: gói kích kinh tế 2, được mua bán chứng khoán trong cùng phiên, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản… cộng với các tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới. Nếu có những dấu hiệu lạc quan như trên, VN-Index có thể đạt tới đỉnh mới trong khoảng 600 - 650 điểm.

Cổ phiếu ngành bất động sản thời gian qua liên tục tăng mạnh, trong khi ngành tài chính chứng khoán lại chỉ “đủng đỉnh” đi lên, ông có đánh giá gì về hai sự trái chiều này?

Ngành bất động sản tăng là do các công ty thuộc nhóm ngành này đã bán được những dự án, dự kiến cuối năm sẽ đem về lợi nhuận lớn. Chúng ta có thể thấy như NTL, HAG, CDC, LCG đều có những khoản lợi nhuận rất lớn từ việc bán sản phẩm căn hộ. Còn ngành ngân hàng do lãi suất huy động ngày càng tăng mà lãi suất đầu ra thì lại bị giới hạn bởi lãi suất cơ bản nên sự chênh lệch từ đầu vào và đầu ra không lớn.

Vì vậy, các ngân hàng sẽ khó kiếm được lợi nhuận cao trong năm nay, ngoại trừ các ngân hàng có nguồn thu nhập bổ sung, như ACB còn có thêm các mảng khác rất mạnh như trái phiếu, bất động sản, vàng...

Đối với ngành chứng khoán thì theo thông lệ, tăng trưởng của ngành chứng khoán thường đi trước tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán đã có đợt tăng khá cao từ quý 2. Nếu nhìn lại, chúng ta có thể thấy giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán đã tăng gấp 3-4 lần từ quý 2.

Nếu chọn ra 3 ngành có thể có những bất ngờ về lợi nhuận nhất trong quý 3, ông sẽ đánh giá cao nhất những ngành nào? Và nếu là một nhà đầu tư cá nhân, ông sẽ nắm giữ những cổ phiếu ngành nào cho triển vọng cuối năm 2009?

Theo tôi, ba ngành có lợi nhuận đột biến trong quý 3 và có triển vọng tốt để nắm giữ cổ phiếu cho triển vọng cuối năm nay là thủy sản, bất động sản và một số cổ phiếu vận tải biển.