Sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, doanh nghiệp thành lập mới tháng 6/2025 tăng cao
Làn sóng thành lập doanh nghiệp mới bùng nổ trong tháng 6/2025, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong nửa đầu năm tăng mạnh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng ghi nhận mức tăng đáng kể….

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài Chính), tháng 6 năm 2025 chứng kiến sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Cụ thể, cả nước có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 176,8 nghìn tỷ đồng, tăng 61,4% về số doanh nghiệp và 12,8% về vốn so với tháng 5/2025. So với cùng kỳ năm 2024, các chỉ số này tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 60,5% về số doanh nghiệp và 21,2% về vốn.
Tuy vậy, đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng chỉ đạt 7,2 tỷ đồng, giảm so với cả tháng trước(30,1%) và cùng kỳ năm trước (24,5%), cho thấy xu hướng các doanh nghiệp mới có quy mô nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, niềm tin kinh doanh được củng cố khi có 14,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 91,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, xu hướng tích cực tiếp tục được duy trì với 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước và hơn 61,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,2%.
Tổng cộng, trong 6 tháng, thị trường đã đón nhận hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có gần 25,5 nghìn doanh nghiệp bắt đầu hoạt động hoặc hoạt động trở lại.
Xét theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ dẫn đầu về tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới với gần 70,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5%. Khu vực công nghiệp và xây dựng có gần 20,0 nghìn doanh nghiệp (tăng 3,4%) và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có 813 doanh nghiệp (tăng 3,7%).
Một điểm sáng đặc biệt là tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đạt hơn 2.778,0 nghìn tỷ đồng, tăng tới 89,0% so với cùng kỳ. Sự gia tăng mạnh mẽ này chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp đang hoạt động đã đăng ký tăng thêm 1.957,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2024, thể hiện sự lạc quan và kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những con số lạc quan, bức tranh kinh tế cũng ghi nhận những thách thức rõ rệt khi số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường cũng tăng lên.
Chỉ riêng trong tháng 6/2025, có 6.433 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 18,7% so với cùng kỳ) và gần 10,1 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 86,2%).
Tính chung cả 6 tháng đầu năm, hơn 80,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,3%; 34,0 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 18,3% và hơn 12,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3%.
Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Sự gia tăng ở cả hai chiều gia nhập và rút lui cho thấy một môi trường kinh doanh đang có sự vận động và sàng lọc mạnh mẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới để thích ứng và phát triển.
Tuy vậy, theo bà Trịnh Thị Hương, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong bức tranh doanh nghiệp 6 tháng năm 2025 là lần đầu tiên sau nhiều tháng trở lại đây, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui. Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập cao gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng (152,7 nghìn so với 127,1 nghìn).
“Điều này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế đang được củng cố rất mạnh mẽ”, bà Hương nhấn mạnh và cho rằng những kết quả ấn tượng trên là sự khẳng định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW, đã bắt đầu đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ lực lượng kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp vào một nền kinh tế độc lập, tự chủ và bền vững.