18:19 19/07/2022

Sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng, đã ghi nhận hơn 113.000 ca mắc

Nhật Dương

Bộ Y tế dự báo ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận hơn 113.400 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đến thời điểm này đã có 39 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Bộ Y tế dự báo ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Trước đó, Bộ Y tế đã phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ. Trong đó, mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).

Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị).  Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết Dengue; sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; xuất huyết nặng; suy tạng nặng.

Tại Hà Nội, Sở Y tế cũng đã có Công văn về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue. Theo đó, Sở Y tế giao việc tiếp nhận quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết đối với các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố gồm: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Bệnh viện đa khoa Hà Đông; Bệnh viện đa khoa Đống Đa; Bệnh viện Bắc Thăng Long; Bệnh viện đa khoa Thanh Trì; Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai; Bệnh viện đa khoa Đông Anh; Bệnh viện đa khoa Vân Đình; Bệnh viện đa khoa Sơn Tây; Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn; Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội; Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông; Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba; Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc; Bệnh viện Nam Thăng Long.

Sở Y tế giao Bệnh viện đa khoa Đống Đa chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm cập nhật phác đồ điều trị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết để tham mưu cho Sở Y tế về công tác quản lý và điều trị người bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.