10:55 17/02/2023

Starbucks và xu hướng "nhà hàng không bàn ghế" tại châu Á

Băng Hảo

"Gã khổng lồ" ngành đồ uống tiết lộ kế hoạch để vượt qua suy thoái kinh tế là bán đồ uống lạnh thông qua ứng dụng của hãng và hướng đến việc thu hút thêm đối tượng khách hàng trẻ tuổi và giàu có...

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Starbucks đã đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số hàng năm từ 7% đến 9% cho mỗi cửa hàng trong hai năm 2023 – 2024. Năm 2022, dù toàn bộ nền kinh tế "rung chuyển" nhưng tình hình kinh doanh của "ông lớn" ngành đồ uống vẫn vô cùng thuận lợi. Nhu cầu ở Bắc Mỹ đối với thức uống đắt tiền vẫn duy trì mạnh mẽ trong khi sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc không tệ như dự đoán. Tuy vậy, một số nhà phân tích và nhà đầu tư đã đặt câu hỏi làm thế nào Starbucks có thể đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng 7% đến 9% trên toàn cầu trong năm 2023, khi mà bối cảnh kinh tế chưa thấy triển vọng khả quan hơn.

CEO của Starbucks, Howard Schultz tự tin rằng công ty có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra nhờ vào chương trình Rewards cùng với lượng khách hàng trẻ, giàu có và rất trung thành. Ông Schultz cho biết hơn một nửa khách hàng hiện tại của Starbucks thuộc thế hệ Y hoặc thế hệ Z. Đây là nhân tố sẽ đóng góp nhiều cho doanh thu hãng đồ uống. Bên cạnh đó, việc ra mắt các sản phẩm mới cùng hình thức mua hàng trực tiếp trên xe (Drive-Thru counter) và mua hàng mang đi (Carry-out counter) cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của hãng.

Theo CNN, Starbucks mới đây cho biết đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, và tiết lộ kế hoạch mở thêm 400 cửa hàng chỉ riêng trong năm nay. Việc mở rộng sẽ bao gồm các thành phố mới và bên ngoài các khu vực đô thị lớn tại các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Starbucks thể hiện mong muốn đưa châu Á theo kịp xu hướng cửa hàng Drive-Thru đang nổi lên trên toàn cầu.
Starbucks thể hiện mong muốn đưa châu Á theo kịp xu hướng cửa hàng Drive-Thru đang nổi lên trên toàn cầu.

Tại Lào, nơi Starbucks mở cửa lần đầu tiên vào tháng 11 tại thủ đô Viêng Chăn, Starbucks cũng có kế hoạch mở một cửa hàng mới trong năm nay. Các kế hoạch triển khai loại trừ các hoạt động tại Trung Quốc và Nhật Bản của công ty. Trong khi đó, Starbucks có kế hoạch xây dựng danh mục hơn 300 cửa hàng hiện có ở Ấn Độ bằng cách mở rộng sang ít nhất 5 thành phố mới.

Công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng 8% về số lượng cửa hàng ròng mới trong năm qua. Tháng trước, Starbucks cho khai trương quán cà phê khái niệm cộng đồng đầu tiên tại thị trấn Xiulin, Đài Loan với nhà điều hành địa phương Uni-Wonder Corporation. Tại Hàn Quốc, chuỗi cà phê có trụ sở tại Hoa Kỳ cho giới thiệu một cửa hàng rộng 500m2 tại khu thương mại Gwangyang-si, đánh dấu vị trí thứ 5.000 trong khu vực (không bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản).

Đặc biệt, Starbucks thể hiện mong muốn đưa châu Á theo kịp xu hướng cửa hàng Drive-Thru đang nổi lên trên toàn cầu. Đây là dịch vụ mua hàng tận nơi mà không cần rời khỏi xe ô tô với điểm nổi bật nhất là hệ thống giao hàng tới ôtô tự động cho những người đặt qua mạng từ trước, nhờ vào băng chuyền và cánh tay robot. Thương vốn tự định vị chuỗi cửa hàng của mình như “chốn đi về thứ ba” sau nhà và nơi làm việc, giờ đây dự đoán các cơ sở của họ sẽ có ít ghế hơn. 

“Cửa hàng thứ 5.000 của chúng tôi ở châu Á Thái Bình Dương là cửa hàng Drive-Thru -  nói lên cả thói quen thay đổi của khách hàng và quyết tâm của chúng tôi để gặp họ ở nơi thuận tiện nhất, trong khi vẫn cung cấp kết nối Starbucks,” Emmy Kan, chủ tịch của Starbucks Châu Á Thái Bình Dương cho biết.“Chúng tôi sẽ liên tục cải tiến các định dạng và đổi mới cửa hàng của mình, không chỉ để phục vụ cho việc thay đổi hành vi của khách hàng mà còn để thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực”.

Có thể thấy, bốn năm qua, Starbucks tăng gấp đôi số lượng cửa hàng Drive-Thru tại châu Á Thái Bình Dương. Thương hiệu có kế hoạch mở hơn 100 địa điểm trong năm nay. Michael Conway, chủ tịch nhóm phát triển kênh quốc tế và của Starbucks, cho biết khu vực này đã đạt mức tăng trưởng hơn 20% mỗi năm khi quá trình phục hồi tiếp tục.“Chúng tôi có vị thế thuận lợi để phát triển hơn nữa với các đối tác kinh doanh được cấp phép của mình, những người tiếp tục nâng cao trải nghiệm Starbucks trên một loạt các định dạng cửa hàng sáng tạo”.

Ngay cả tại Mỹ, Starbucks cũng đang tính đến việc xây dựng một số cửa hàng mới chỉ phục vụ bán mang đi. Trong ba năm tới, công ty này đặt mục tiêu xây dựng 700 cửa hàng mới tại Mỹ coi các tài xế Drive-Thru là mục tiêu phục vụ chính. Theo kế hoạch, đến năm 2025, các cửa hàng truyền thống chỉ chiếm 54% số cửa hàng của công ty, thay vì 61% như hiện nay. Tại các điểm Drive-Thru, Starbucks đang xây dựng chương trình thanh toán không chạm có khả năng tự động nhận diện và xác thực khách hàng khi đi qua cửa.

Trong bốn năm qua, Starbucks tăng gấp đôi số lượng cửa hàng Drive-Thru tại châu Á Thái Bình Dương. 
Trong bốn năm qua, Starbucks tăng gấp đôi số lượng cửa hàng Drive-Thru tại châu Á Thái Bình Dương. 

Trước đó, từ cuối năm 2022, “gã khổng lồ” đồ uống của Mỹ đã triển khai một hệ thống tiền boa mới cho dịch vụ Drive-Thru. Theo đó, khi người dùng thanh toán đơn hàng bằng thẻ ngân hàng, hệ thống của Starbucks sẽ đưa ra một số gợi ý đề xuất khách hàng của họ chọn số tiền họ muốn boa cho nhân viên của hãng. Đây là một phần trong “kế hoạch tái tạo” tổng thể của “gã khổng lồ” đồ uống của Mỹ, nhằm tăng doanh thu của công ty và cả dấu chân kỹ thuật số và vật lý trong suốt ba năm tới.

Tương tự Starbucks, McDonald cũng mở một cửa hàng mới ở ngoại ô thành phố Fort Worth, bang Texas, Mỹ, hoàn toàn không có bàn ăn hay ghế ngồi. Thay vào đó, thức ăn sẽ được chuyển thẳng tới khách hàng - những người đã đặt hàng trước và chỉ lái xe đến lấy, theo Wall Street Journal. Starbucks hay McDonald không phải là trường hợp cá biệt. Theo tờ Bloomberg, các hệ thống đồ ăn nhanh lớn nhất nước Mỹ đang đua nhau xây dựng các “nhà hàng không bàn ghế” - nơi chỉ bán đồ ăn mang đi. Qua đó, họ đánh cược rằng xu thế mua đồ mang về - vốn được thúc đẩy sau đại dịch Covid-19 - sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Yum Brands, công ty sở hữu KFC và Taco Bell, cũng đang tính làm điều tương tự. Hồi tháng 12/2022, doanh nghiệp này thảo luận với các nhà đầu tư về khả năng xây dựng các cửa hàng Taco Bell với bốn làn xe Drive-Thru, hay cửa hàng KFC chỉ có bếp mà không có ghế ngồi. “Ngành công nghiệp ẩm thực có thể đang bước vào giai đoạn đòi hỏi đổi mới về hình thức triển khai để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hôm nay”, ông David Gibbs, Giám đốc điều hành của Yum Brands, nói.