Sử dụng tiền chuyển nhầm vào tài khoản, cẩn trọng phạm luật
Nếu sử dụng số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm...
Bộ Công an cho hay, nhiều trường hợp chuyển tiền qua tài khoản cho người này nhưng lại chuyển nhầm sang cho người khác và bị chủ tài khoản đó sử dụng số tiền chuyển nhầm.
Vậy nếu người nhận tiền do người khác chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của mình mà rút số tiền đó ra để sử dụng thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Bộ Công an cho rằng, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1 – 5 năm.
Đơn cử là gần đây, Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án chiếm giữ trái phép tài sản, gồm Phạm Văn Mạnh, SN 1991 và Nguyễn Hồng Phong, SN 1979, cùng trú phường Bắc Sơn, quận Kiến An; Vương Hoàng Trung, SN 1994, ở xã Mỹ Đức và Nguyễn Thị Hương, SN 2001, ở xã Tân Viên, cùng huyện An Lão, TP Hải Phòng.
Theo điều tra, Mạnh là lao động tự do trên địa bàn xã Tân Viên, huyện An Lão. Tại đây, Mạnh thường lui đến quán tạp hóa của chị H., nhờ chị này chuyển hộ tiền vào tài khoản cho mình. Chính vì thế, trong điện thoại của chị H. có lưu số tài khoản của Mạnh mở tại ngân hàng.
Lúc 17h15 ngày 24/9, chị H. chuyển 500 triệu đồng cho người bà con. Do thao tác nhầm trên ứng dụng, chị H. chuyển nhầm số tiền này đến tài khoản của Mạnh.
Sau khi phát hiện chuyển tiền nhầm vào số tài khoản của Mạnh, chị H. đã báo ngân hàng xin trợ giúp.
Theo hướng dẫn của ngân hàng, chị H. tiếp tục chuyển khoản số tiền 10.000 đồng đến tài khoản của Mạnh kèm nội dung thông báo việc chuyển nhầm tiền, đề nghị để xử lý.
Tuy nhiên, Mạnh bàn với Nguyễn Hồng Phong và Vương Hoàng Trung tìm cách chiếm đoạt số tiền chuyển nhầm của chị H. Theo lời Trung, Mạnh đã chuyển hết số tiền trên đi các tài khoản khác nhau.