"Sự hỗn loạn và cuồng loạn vô cùng lớn, chỉ nên nắm giữ vị thế không quá 30% là cổ phiếu"
Sự “hỗn loạn, hoảng loạn, và cuồng loạn” trên thị trường chứng khoán là vô cùng lớn và giá của các loại tài sản có thể tăng/hoặc giảm vượt rất xa giá trị thật của chúng. Chỉ nên nắm giữ vị thế không quá 30% là cổ phiếu và chờ đợi các tín hiệu tạo đáy trước khi tiếp tục mua mới các cổ phiếu đã có mức định giá phù hợp.

Trong đầu tháng 4, thị trường đã chịu cú sốc thuế quan khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam. Hành động áp thuế đột biến được xem là sự kiện “rất bất ngờ” đối với nền kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam.
Cập nhật về triển vọng thị trường chứng khoán tháng 4, Chứng khoán SHS cho biết xu hướng trung hạn của Vn-Index trở nên suy yếu bất ngờ ngoài mọi dự tính. VN-Index giảm mạnh từ vùng giá 1.340 điểm về vùng giá 1.150 điểm.
SHS cho rằng nhiều mã, nhóm mã đã có vùng giá tương đối hợp lý, đã tương đối rẻ so với các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần nhớ rằng sự “hỗn loạn, hoảng loạn, và cuồng loạn” trên thị trường chứng khoán là vô cùng lớn và giá của các loại tài sản có thể tăng/hoặc giảm vượt rất xa giá trị thật của chúng. Chỉ nên nắm giữ vị thế không quá 30% là cổ phiếu và chờ đợi các tín hiệu tạo đáy trước khi tiếp tục mua mới các cổ phiếu đã có mức định giá phù hợp.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường bắt đầu vào giai đoạn quan trọng, cập nhật các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp khi có kết quả kinh doanh. Cập nhật, đánh giá các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong quí 1. Thông báo chính thức về mức thuế qua mà Mỹ áp cho các nước và Việt Nam.
Thị trường vẫn đang vận động do một số thông tin chính: Diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam bất định trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ đang rất căng thẳng. Gây lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra trên diện rộng. Trong đó Việt Nam đang là tâm điểm, với rủi ro thuộc nhóm cao nhất trong các nước.
Nền kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng đối mặt áp lực rất lớn từ bên ngoài khi độ mở nền kinh tế rất cao, lại đang bị áp đặt thuế quan cao top 4 tại thị trường Mỹ.
Lãi suất duy trì ổn định trên nền thấp. Nhưng sẽ đối mặt áp lực thời gian tới khi áp lực về xuất nhập khẩu gia tăng do thuế quan gây ra. Áp lực tỷ giá, dự trữ ngoại hối cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới nếu thuế quan thực hiện mạnh; Kỳ vọng nâng hạng thị trường vào tháng 9/2025.
Về mặt định giá, định giá thị trường vừa có đợt giảm mạnh về quanh vùng định giá cuối năm 2022 ở quanh mức PE 11.x lần. Mức P/E Forward 10,4 được xem là khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay mở ra cơ hội đầu tư giá trị cho nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội.
Danh mục khả dĩ đầu tư được hiện đã thu hẹp lại và chỉ lựa chọn các cổ phiếu số 1 ở các ngành ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan, các công ty tập trung tiêu dùng nội địa và có mức định giá đủ tốt, hoạt động kinh doanh có dòng tiền thặng dư lớn để chống chọi qua đợt suy thoái có thể xảy ra sắp tới do áp lực dịch chuyển thuế quan.
Nhận định về nhóm bất động khu công nghiệp, theo SHS, áp lực bán cực kỳ lớn và nhóm này đang rơi vào tình trạng giống nhóm bất động sản dân cư vào giai đoạn năm 2022 vừa qua. Nhà đầu tư lưu ý với nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp hiện nay nên hạn chế bắt đáy và dừng mở mới các trạng thái với nhóm này. Việc bị đánh giá lại là điều đang xảy ra và giá cỏ thể giảm vượt quá mức tưởng tượng của nhà đầu tư như đã từng xảy ra với nhóm bất động sản dân cư khi khủng hoảng trái phiếu nổ ra vào năm 2022.
Về vĩ mô, dù đối mặt với áp lực thuế quan ngày càng leo thang từ Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP ở mức 8% trong năm 2025 – một con số táo bạo nhưng phản ánh quyết tâm chính sách nhất quán của Chính phủ trong việc bảo vệ đà phục hồi và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới nội lực.
Đầu tư công đang gánh trọng trách dẫn nhịp kéo nền kinh tế 2025 khi tăng trưởng khối tư nhân chưa hoàn toàn phục hồi. Giải ngân đầu tư công dù vẫn chậm trong quý đầu năm mới đạt 9,5% kế hoạch, nhưng quy mô kế hoạch giao 2025 là 825,9 nghìn tỷ cao nhất lịch sử, cho thấy kỳ vọng "tăng trưởng bằng vốn Nhà nước" đang là chiến lược lấp chỗ trống vốn tư nhân và sẵn sàng nếu FDI suy yếu.
Thống kê FDI mới hết quý 1/2025, nên con số 4,96 tỷ USD vốn thực hiện hiện tại chưa thể phản ánh cả năm nhất là với tâm lý thận trọng “quan sát” của nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh biến số thuế quan từ Mỹ sẽ treo lơ lửng từ tháng 4 trở đi – mà chưa ai đoán chắc được mức độ hay phạm vi áp dụng. Tăng trưởng vốn thực hiện FDI tháng 3/2025 tăng 7% so với cùng kỳ, một con số rất khởi sắc nhưng bất định trước sóng gió thuế quan.
Khối doanh nghiệp FDI vẫn duy trì cán cân dương trong suốt quý 1/2025, thậm chí đạt thặng dư +4,54 tỷ USD riêng tháng 3 – thể hiện sức xuất khẩu vẫn còn vững từ các tập đoàn lớn. Chỉ có khối doanh nghiệp nội địa tiếp tục âm sâu (–2.91 tỷ USD), tái khẳng định vấn đề cấu trúc nhập siêu do phụ thuộc nguyên vật liệu và chuỗi giá trị thấp.