Sức ép giá dầu khiến đồng Rupee Ấn Độ giảm giá kỷ lục so với USD
Giá dầu tăng mạnh và sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài đang gây áp lực lớn lên tỷ giá đồng Rupee
Đồng Rupee của Ấn Độ ngày 28/6 đã giảm giá xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD, khi giá dầu tăng mạnh và việc giới đầu tư bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi gây tổn thất cho quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới.
Theo tin từ Bloomberg, đồng Rupee có lúc giảm giá tới 0,7%, còn 69,0925 Rupee đổi 1 USD, thấp hơn mức thấp kỷ lục trước đó là 68,8650 Rupee đổi 1 USD thiết lập vào tháng 11/2016. Tỷ giá đồng nội tệ xuống thấp đẩy giá trái phiếu chính phủ Ấn Độ giảm mạnh, khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 0,5 điểm phần trăm lên mức 7,92%.
Giá dầu thế giới liên tục trong vòng 1 năm trở lại đây đã khiến thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài khóa của Ấn Độ gia tăng, giữa lúc các quỹ đầu cơ nước ngoài trở nên "kén cá chọn canh hơn" khi đầu tư vào các thị trường mới nổi.
Nhập khẩu xăng dầu đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu của Ấn Độ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng nước này sẽ tiếp tục là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu nhanh nhất thế giới đến hết năm 2040.
"Xét đến thâm hụt tài khoảng vãng lai của Ấn Độ, họ cần phải tìm nguồn vốn để bù đắp. Nhưng dòng vốn đã chảy ròng khỏi thị trường trái phiếu nước này 5 tháng liên tiếp. Thị trường cổ phiếu cũng chứng kiến sự thoái vốn", ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á của ngân hàng ANZ tại Singapore, phát biểu.
Ông Goh dự báo nếu không có sự chuyển biến nào, tỷ giá đồng Rupee có thể giảm quá mức 70 Rupee đổi 1 USD.
Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,1 tỷ USD trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng đồng Rupee, đồng thời rút 785 triệu USD khỏi thị trường cổ phiếu Ấn Độ. Sự thoái vốn này khiến Rupee trở thành đồng tiền giảm giá tệ nhất châu Á, dẫn tới việc các nhà phân tích đưa ra hàng loạt dự báo bi quan.
Ngân hàng Barclays nhận định Rupee sẽ giảm giá về mức 72 Rupee/USD trước cuối năm nay. DBS Bank dự báo mốc 71 Rupee/USD trước tháng 6/2019.
Các tài sản Ấn Độ đang rơi vào một vòng xoáy đi xuống, trong đó các dòng vốn rút đi gây sức ép giảm lên tỷ giá đồng Rupee, và tỷ giá giảm tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hoạt động đầu tư.
Lo ngại về các cuộc phát hành nợ của Chính phủ Ấn Độ và ảnh hưởng của giá dầu tăng đối với lạm phát đã dẫn tới việc bán tháo trái phiếu nước này vào thời điểm mà giới đầu tư cũng đang rút vốn khỏi các thị trường mới nổi khác để mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ - loại trái phiếu an toàn hơn và có lợi suất đang tăng.
Theo ước tính của Nomura Holdings, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD thì thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ tăng thêm 0,4% GDP, còn lạm phát của nước này tăng thêm 0,3-0,4 điểm phần trăm.
"Theo quan điểm của chúng tôi, vẫn nên thận trọng với các thị trường mới nổi vào thời điểm này. Đặc biệt, Ấn Độ còn chịu tác động tiêu cực của giá dầu tăng", chiến lược gia tiền tệ Dushyant Padmanabhan của Nomura tại Singapore phát biểu.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu WTI tại New York tăng 3,2%, đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2014. Giá dầu Brent tại London tăng 1,7%, đạt cao nhất kể từ tháng 5.
Trong 9 tuần vừa qua, có 8 tuần dự trữ ngoại hối của Ấn Độ giảm, một dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương nước này (RBI) can thiệp vào thị trường để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Các ngân hàng quốc doanh nước này có thể cũng bán USD và mua vào Rupee - giới giao dịch cho hay.
Đầu tháng này, RBI đã tiến hành nâng lãi suất - tương tự bước đi của ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi khác như Indonesia và Philippines - nhằm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trước sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài.