Sức ép tăng giá thép vẫn còn
Sau chuỗi ngày tăng liên tiếp, giá thép xây dựng đã dần “hạ nhiệt”. Những tháng cuối năm là thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng, giá thép có thể tăng trở lại. Đó là chưa kể đến nguyên nhiên liệu, thiết bị dự phòng đều phải nhập khẩu nên ảnh hưởng từ bên ngoài rất lớn...
Sau chuỗi ngày tăng liên tiếp, giá thép xây dựng đã dần “hạ nhiệt”. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là hiện tượng tự nhiên, bởi thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 đang bước vào mùa mưa, các công trình xây dựng thi công hầu như “bất động” nên giá thép thường giảm theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên, những tháng cuối năm là thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng, giá thép có thể tăng trở lại.
GIÁ THÉP "ĂN THEO" NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU
Trong những ngày vừa qua, các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt thông báo giảm giá thép xuống mức 16,1 triệu đồng/tấn - 16,7 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và 16,8 triệu đồng/tấn -17,3 triệu đồng/tấn đối với thép thanh D10.
Như vậy, so với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đến ngày 22/6 đã giảm khoảng 750 nghìn đồng/tấn – 1,5 triệu đồng/tấn (tùy theo thương hiệu và sản phẩm).
Nhận định về xu hướng giảm giá thép trong những ngày gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng đây chỉ là mức giảm tạm thời. Thực tế giá thép vẫn đang ở mức khá cao, bởi thời điểm này đang bước vào mùa mưa, các công trình sẽ giảm thi công khiến giá giảm theo cung cầu. Khi bước vào những tháng cuối năm là cao điểm mùa xây dựng, giá thép có thể sẽ tiếp tục tăng trở lại.
Theo diễn biến khác, giá thép giảm còn do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép giảm. Theo số liệu cập nhật thị trường nguyên liệu sản xuất thép của VSA, giá quặng sắt ngày 7/6/2021 giao dịch ở mức 202,6-203,1 USD/tấn CFR (tiền hàng cộng cước) cảng Thiên Tân (Trung Quốc), đã giảm nhẹ 8-9 USD/tấn so với thời điểm 7/5/2021. Giá thép cuộn cán nóng (HCR) ngày 7/6/2021 ở mức 900 USD/tấn CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 25 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 5/2021.
Trở lại với “cơn sốt” giá thép thời gian qua, giá thép liên tục tăng cao có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn cầu.
Các yếu tố chính đang chi phối thị trường này làm ảnh hưởng tới giá thép toàn cầu, bao gồm: nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm.
Thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% để giảm sản lượng xuất khẩu thép. Chi phí sản xuất thép của Trung Quốc năm 2020 cao hơn so với các quốc gia làm nhập khẩu bán thành phẩm (thép thô) nước này đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào quý 3/2020.
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Điều đó có nghĩa giá thép sẽ có khả năng còn tăng.
Ngoài ra, hiện giá thép tăng còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển. Chưa kể, mặc dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép ống, tôn mạ) của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa.
Tuy nhiên, nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, vật liệu chịu lửa...), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu.
Trong kiến nghị gửi lên Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào của ngành thép, Bộ Công Thương cũng thừa nhận nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới.
Thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn...
Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc... vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy thép trong nước về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Theo số liệu từ VSA, trong 5 tháng đầu năm 2021 sản xuất và tiêu thụ thép các loại đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong tháng 5/2021, sản xuất thép các loại đạt 2.919.296 tấn, tăng 3,53% so với tháng trước và tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt 13.403.210 tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ 2020. Về tiêu thụ, trong tháng 5/2021 đạt 2.475.826 tấn, giảm 8,42% so với tháng 4/2021, nhưng tăng 30,8% so với cùng kỳ 2020, trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 630.551 tấn, tăng 18,04% so với tháng trước, và tăng 2,4 lần so với cùng kỳ tháng 5/2020.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, tiêu thụ thép đạt 11.959.581 tấn, tăng 38,2% so với cùng kỳ 2020; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 2.799.252 tấn, tăng 80% so với 5 tháng năm 2020.
TỰ CHỦ ĐỂ GIẢM PHỤ THUỘC
Phải thừa nhận, trong 5 năm gần đây, ngành thép có sự phát triển vượt bậc. Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á về sản xuất, tiêu thụ thép. Trên bản đồ thế giới, sản xuất thép thô đứng thứ 14. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế là Việt Nam mới chủ yếu sản xuất và tiêu thụ mạnh ở sản phẩm thép xây dựng, trong khi các sản phẩm thép đặc chủng, thép hợp kim vẫn phải nhập khẩu.
Hơn nữa, các doanh nghiệp thép trong nước vẫn còn hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ dẫn đến việc sản xuất tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao. Đó là lý do khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng nhiều như hiện nay.
Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển ngành thép trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, cạnh tranh gay gắt về giá, chất lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành thép phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, công nghệ, nâng cao trình độ.
Bên cạnh đó, phải giải quyết triệt để tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước, tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần nhanh chóng xây dựng ngành thép phát triển đồng bộ, hiện đại.
Ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành thép, tại buổi họp với các doanh nghiệp ngành thép mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để tăng năng lực của ngành thép, cần phải đẩy mạnh phát triển theo hướng “đi tắt, đón đầu”, ứng dụng những công nghệ mới, vừa đáp ứng nhu cầu trong xây dựng, vừa đáp ứng nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương
Cần tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép. Đồng thời, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó, từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt. Từ đó, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác; hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sau thép đặc biệt, không chỉ dừng lại nguyên liệu mà còn có thể là thành phẩm.
Theo đề xuất của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành thép thời gian tới gắn với nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; tăng năng lực và công nghệ trong ngành thép.
Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa cho rằng thị trường thép trong nước rất liên thông với thị trường thép thế giới nên muốn phát triển bền vững thì phải có chiến lược dài hạn, nếu cứ đối phó kiểu “nước đến chân mới nhảy” thì lúc nào cũng lúng túng.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một chiến lược phát triển ngành thép tổng thể, đồng bộ trong mối liên kết hữu cơ với các ngành cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng thép chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó khi sự việc xảy ra.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ sẽ ưu tiên xây dựng chính sách để các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bộ cũng đã chủ động vào cuộc, tiếp nhận và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành thép; đồng thời đánh giá cao những đề xuất liên quan đến việc xây dựng chính sách phát triển ngành thép.