Sức mạnh cộng hưởng
Tất cả mọi người, mọi ngành nghề và mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta đều chịu tác động tiêu cực, ở các mức độ khác nhau, từ đại dịch Covid-19. Song, thiệt hại nặng nề nhất, xét từ góc độ kinh tế, là doanh nghiệp...
Trong hơn một năm, kể từ khi dịch bệnh bùng phát (tháng 1/2020), “mạch đập” của nhiều doanh nghiệp đã “loạn nhịp”, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ; không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, rút khỏi thị trường.
Hậu quả là “sức khỏe” của nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng.
Thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là trách nhiệm của mình, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương vào ngày chủ nhật 8/8/2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Đây là cuộc gặp lớn nhất, xét về quy mô, số người tham dự và nội dung bàn thảo, giữa Chính phủ và doanh nghiệp, kể từ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính được giao trọng trách đứng đầu cơ quan hành pháp quốc gia.
Trong thực tế, kể từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, Chính phủ nhiệm kỳ trước cũng như nhiệm kỳ này, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, đồng thời duy trì sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Dẫu vậy, đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp ở quy mô toàn quốc, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, như tại hội nghị ngày 8/8/2021, vẫn là hết sức cần thiết, trong bối cảnh cả Chính phủ và doanh nghiệp đang đứng trước bài toán khó, khi quyết tâm thực hiện mục tiêu kép – vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ, với trách nhiệm là cơ quan quản lý, điều hành toàn bộ nền kinh tế quốc gia, được ví như “Tổng công trình sư”, “Tổng đạo diễn” đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô của đất nước, muốn biết các doanh nghiệp – những cấu trúc cơ bản nhất và không thể thiếu của nền kinh tế – đang gặp những khó khăn gì; và họ cần gì từ Chính phủ; những chính sách và giải pháp mà Chính phủ ban hành nhằm phòng chống dịch và duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh có phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế của doanh nghiệp không?
Về phần mình, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp có dịp được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo và các thành viên của Chính phủ, được đề xuất những kiến nghị, giải pháp tới bộ phận trọng yếu nhất nhì của thượng tầng kiến trúc, nơi hoạch định thể chế, hệ thống pháp lý cùng mọi chủ trương, chính sách và giải pháp liên quan đến quốc kế, dân sinh.
Như vậy, hội nghị là điểm đến, là nơi hội tụ tư duy giữa những “người lo” và những “người làm” để cùng bàn thảo, theo định hướng của người đứng đầu Chính phủ là “đánh giá, giải pháp, thiết thực, hiệu quả”, với tinh thần sẻ chia, lắng nghe nhau, hiểu nhau, cảm thông với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng nhằm đích chung là duy trì được sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, và kiểm soát được dịch bệnh.
Hàng loạt vấn đề “nóng” được “đặt lên bàn” hội nghị, trong đó có những vấn đề cụ thể cần giải quyết liên quan đến các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, như kiểm soát giao thông, lưu thông hàng hóa, tiêm vaccine, nhập cảnh của chuyên gia; về các chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; về cải cách hành chính; sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý còn chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp...
Với trách nhiệm là những người quản lý, điều hành và kiến tạo, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương đã lắng nghe, giải đáp kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các giải pháp tiếp theo nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thành công lớn nhất của hội nghị là sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng tâm, nhất trí. Bản lĩnh quyết đoán, nhưng linh hoạt, biết lắng nghe và tôn trọng thực tế của người đứng đầu Chính phủ đã truyền lửa cho các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền và doanh nghiệp, tạo thành sức mạnh có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Đó là sức mạnh cộng hưởng hình thành từ quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và toàn quân, toàn dân trong nỗ lực chung nhằm khống chế dịch bệnh và duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, với mong muốn sớm đưa nước ta trở lại trạng thái “bình thường mới”.