06:00 14/03/2011

Sức mạnh thương mại của Trung Quốc chưa giảm tốc

An Huy

Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc đang được cảm nhận ở mọi ngóc ngách của thế giới

Hoạt động thương mại quốc tế của Trung Quốc ngày càng được mở rộng - Ảnh: Getty.
Hoạt động thương mại quốc tế của Trung Quốc ngày càng được mở rộng - Ảnh: Getty.
Cách đây 1 thập kỷ, Trung Quốc chưa phải là đối tác thương mại hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20).

Ngày nay, nước này đã trở thành đối tác thương mại số 1 của 6 quốc gia trong nhóm này, gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn thế chân Mỹ ở vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất của Brazil, đồng thời ngày càng xuất khẩu ngày càng nhiều hơn vào các nước còn lại trong G20.

“Khi một ai đó viết về lịch sử thế giới trong thời gian 50-100 năm tới đây, thì điều cần viết nhất chưa chắc đã phải là cuộc Đại khủng hoảng 2008… hay những vấn đề tài khóa mà nước Mỹ phải đối mặt trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, mà sẽ là về cách mà thế giới tự điều chỉnh trước thực tế sân khấu của lịch sử dần dịch chuyển về phía Trung Quốc”, ông Lawrence Summers, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Havard, đồng thời nguyên là cố vấn của Tổng thống Barack Obama, phát biểu trên tờ Wall Street Journal.

Theo tờ báo này, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc đang được cảm nhận ở mọi ngóc ngách của thế giới, và không phải lúc nào được chào đón tích cực. Đà vươn lên của nước này với tư cách một cường quốc thương mại đang tạo ra định hình mới đối với các nền kinh tế khác, làm thay đổi các mô hình kinh tế quốc gia, đẩy tỷ giá các đồng tiền diễn biến theo hướng không ai mong muốn, đồng thời làm gia tăng những lo ngại xung quanh vấn đề tiền lương ở nước Mỹ.

Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 36%. Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc bất ngờ chịu mức nhập siêu lớn nhất trong 7 năm do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết âm lịch kéo dài.

Trong khi đó, thống kê ngày 10/3 của Mỹ cho thấy, trong tháng 1, nước này chịu mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc lớn hơn bất kỳ quốc gia nào. Tính riêng trong tháng 1 với mức tỷ giá hiện tại, kim ngạch xuất khẩu ra thị trường toàn cầu của Trung Quốc lớn hơn 35% so với Mỹ, trong khi tổng nhập khẩu của Trung Quốc lại nhỏ hơn của Mỹ 14%.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc.

Cách đây 1 thập kỷ, Trung Quốc chỉ đóng góp 2,3% vào tổng doanh thu của hãng sản xuất máy xây dựng lớn nhất Nhật Bản Komatsu. Giờ đây, con số này đã lên tới 19%. Ở Nhật, sinh viên mới ra trường hiện nay thường tham gia vào các lớp học tiếng Trung Quốc ngắn hạn, thay vì học tiếng Anh như yêu cầu trước đây của các nhà tuyển dụng.

Tại Nam Phi, Trung Quốc hiện chiếm một nửa kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc và hơn 2/3 kim ngạch nhập khẩu đồ chơi trẻ em. Đổi lại, người tiêu dùng Trung Quốc được thưởng thức cam trồng ở Ai Cập, coca trồng ở Ghana và rượu vang sản xuất tại Nam Phi.

Tại Brazil, “cơn khát” khó thỏa mãn của Trung Quốc đối với các loại nguyên vật liệu cơ bản đang làm thay đổi hình ảnh quốc gia Nam Mỹ này, theo đúng nghĩa đen của từ “thay đổi”. Người giàu nhất Brazil, tỷ phú Eike Batista, đang chi số tiền 2,6 tỷ USD để xây dựng một cảng biển siêu lớn ở phía Bắc Rio de Janeiro nhằm phục vụ những tàu chở dầu khổng lồ có đích đến là Trung Quốc.

Brazil và Peru giờ đã gần hoàn thành một tuyến đường bộ để chở hàng từ các trang trại Brazil qua khu vực Amazon, đến dãy Andes và tới các cảng biển bên bờ Thái Bình Dương của Peru để chuyển tới Trung Quốc.

Cỗ máy thương mại của Trung Quốc dường như chưa cho thấy dấu hiệu nào của sự giảm tốc. Sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2009 dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, cả xuất khẩu và nhập khẩu của nước này lại tăng vọt trở lại trong năm 2010. Dòng vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài và dòng vốn từ các công ty đa quốc gia đổ vào Trung Quốc sẽ càng tăng cường thêm hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác.

Đối với các thị trường mới nổi lên, thu nhập gia tăng nhờ bán hàng cho Trung Quốc là điều đáng mừng, nhưng vẫn còn đó những lo ngại về “tác dụng phụ” của mối quan hệ thương mại này.

Nhiều năm qua, Brazil và các nước láng giềng của nước này đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách đẩy nhanh tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp địa phương và thị trường khu vực để cung cấp lẫn nhau mọi mặt hàng từ năng lượng tới máy giặt.

Giờ đây, sự phát triển bùng nổ của hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc đã đẩy Brazil từ chỗ chú trọng vào những ngành sản xuất có giá trị cao, trở lại với hoạt động khai thác và xuất khẩu hàng hóa cơ bản. Trong năm 2000, chưa đầy 2% kim ngạch xuất khẩu của Brazil cập bến Trung Quốc, nhưng đến năm 2009, tỷ lệ này đã lên tới 12,5% - theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo dữ liệu của Chính phủ Brazil, khoảng 80% hàng xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc là hàng nông nghiệp và khoáng sản. Trong khi đó, khoảng 90% hàng Trung Quốc xuất sang Brazil là hàng công nghiệp chế tạo, nhiều mặt hàng trong số này là những sản phẩm mà Brazil không thể sản xuất với mức giá thành rẻ như hàng Trung Quốc vì tiền lương ở Brazil cao hơn ở Trung Quốc. Các quan chức của Brazil cho rằng, Trung Quốc đang tạo ra lợi thế cho hàng xuất khẩu bằng cách cố tình định giá đồng Nhân dân tệ ở mức thấp.

Ở Brazil, đã có nhiều ý kiến lo ngại về ảnh hưởng dài hạn của mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. “Trung Quốc là một thị trường quan trọng, nhưng Brazil không nên để hết trứng vào một giỏ”, ông Rubens, Ricupero, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, khuyến cáo.

Tại Nam Phi, dưới áp lực của các hiệp hội ngành nghề, Chính phủ nước này năm ngoái đã đề nghị Trung Quốc tự nguyện giới hạn xuất khẩu hàng dệt may sang Nam Phi bằng cách tái áp dụng chế độ cấp hạn ngạch vốn bị xóa bỏ vào năm 2008. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị phía Trung Quốc từ chối. “Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc giảm xuất khẩu sang Nam Phi thì doanh nghiệp của các nước khác sẽ thế chân chúng tôi”, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi, ông Zhong Jianhua, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Tại Indonesia, các nhà sản xuất mặt hàng dệt may, nội thất và điện tử đang tỏ rõ thái độ lo ngại trước làn sóng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi nước này hạ hàng rào thuế quan theo hiệp định tự do thương mại khu vực.

“Chúng tôi hoàn toàn không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc mặc dù giá nhân công của chúng tôi rẻ hơn. Các doanh nghiệp của chúng tôi đang đứng trước hai lựa chọn. Một là trở thành nhà nhập khẩu hàng Trung Quốc, hai là giải thể”, ông Sofjan Wanandi, Chủ tịch Hiệp hội giới chủ Indonesia, cho biết, và lập luận rằng cơ sở hạ tầng kém và mức lãi suất cao làm gia tăng chi phí sản xuất ở Indonesia.

Năm ngoái, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Indonesia tăng gấp rưỡi, vượt tốc độ tăng của xuất khẩu hàng hóa cơ bản từ nước này sang Trung Quốc.

Theo IMF, các nước đang phát triển hiện chiếm khoảng 30% kim ngạch thương mại của Trung Quốc, so với mức chưa đầy 20% vào năm 2000. Các nước phát triển hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn trong quan hệ thương mại với nước này.

Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc giờ chiếm 25% thị phần xuất khẩu của Australia, so với mức vỏn vẹn 4% cách đây 1 thập kỷ. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nguyên vật liệu thô của Australia và thặng dư thương mại từ những mặt hàng này, cùng với tình trạng tăng giá mạnh của đồng Đôla Australia và mức lãi suất gia tăng đang là những nhân tố “làm khó” nền kinh tế nước này.

Một mặt, các khu vực khai mỏ ở phía Tây Australia phát triển mạnh, nhưng mặt khác, các ngành du lịch và phi khai mỏ lại rơi vào tình trạng suy giảm.

“Chúng ta có những nguồn tài nguyên mà thế giới cần. Nhưng chúng ta cần tổ chức công việc để đạt lợi thế tốt nhất từ những nguồn tài nguyên này và vượt qua những vấn đề trong nền kinh tế lưỡng cực của mình”, ông Roger Corbett, một quan chức của Ngân hàng Trung ương Australia, phát biểu mới đây. Ông Corbett là người ủng hộ việc đánh thuế vào ngành công nghiệp khai mỏ Australia, mà về bản chất, đây là loại thuế đánh vào Trung Quốc.

Câu hỏi hóc búa nhất được đặt ra xung quanh sức mạnh thương mại của Trung Quốc là liệu sự nổi lên của nước này và các thị trường mới nổi khác có ảnh hưởng tới vấn đề tiền lương ở Mỹ. Theo các sách giáo khoa, thương mại có thể làm tổn thương công nhân ở một số nước, đồng thời giúp ích cho công nhân ở một số nước khác, và về cơ bản là đem lại lợi ích nhiều hơn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lập luận rằng, khi các nước giàu có giao dịch thương mại chủ yếu với các nước giàu khác, chẳng hạn giữa Mỹ với Đức, thì giữa các nước này sẽ có sự chuyên môn hóa nhưng không cạnh tranh với nhau trong vấn đề tiền lương. Trong khi đó, thương mại giữa các nước giàu với các nền kinh tế mới nổi có mức tiền lương thấp lại đem đến một kết quả khác.

Nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm thương mại tự do thậm chí còn cho rằng, sức mạnh thương mại gia tăng của Trung Quốc, Ấn Độ và việc các nước này dịch chuyển sang những sản phẩm tinh vi hơn có thể dẫn tới tốc độ tăng lương ì ạch ở Mỹ.

“Đối với các nước phát triển hiện nay, hàng nhập khẩu từ các nước thu nhập trung bình và thấp đang ngày càng nhiều. Mặc dù các nước đối tác thương mại mới nổi này ngày càng giàu lên, tiền lương bình quân ở đó vẫn thấp hơn nhiều so với ở Mỹ”, ông Matthew Slaughter thuộc trường kinh doanh Tuck School of Business, nguyên cố vấn kinh tế thời cựu Tổng thống Bush, nhận định.

Bởi vậy, theo chuyên gia này, như một hệ quả tất yếu, tiền lương của người lao động - trừ những người được đào tạo cao - tại Mỹ, khó mà tăng mạnh được.

Mặc dù vậy, cũng có những chuyên gia đưa ra ý kiến khác. “Nền kinh tế Mỹ đã đạt tới mức độ chuyên môn hóa cao đến mức, những công nhân có kỹ năng không cao ở nước này không còn phải cạnh tranh trực tiếp với công nhân ở các nền kinh tế mới nổi”, chuyên gia Robert Lawrence thuộc trường Đại học Havard nhận định.