Sushi: món ăn nhanh duy nhất tốt cho sức khỏe?
Ngay cả ẩm thực cũng đang chuyển mình để bắt kịp nhịp sống hiện đại, thì một số món ăn rất quốc hồn quốc túy cũng đã được cải biên chút ít để có thể ăn nhanh.
Cách đây một vài thập kỷ, món đồ ăn nhanh nối tiếng nhất và phổ biến nhất đến từ phương Đông chính là… mỳ ăn liền. Tuy được đánh giá cao, nhưng món ăn có xuất xứ từ đất nước Phù Tang này vẫn bị đa số người phương Tây chê là "chỉ xoa dịu cơn đói chứ thực chất không cung cấp năng lượng".Vào những năm 1980, khi người phương Tây bắt đầu đề cao những món ăn tươi ngon và tốt cho sức khỏe thì sushi cũng bắt đầu được chú ý đến. Rất nhanh, người Nhật giới thiệu những Kaiten sushi (băng chuyền sushi) và những suất takeaway sushi (sushi xếp sẵn trong hộp để người mua mang đi) trên khắp thế giới.Nếu như 20 năm trước, vừa lái xe đến công sở vừa ăn một chiếc bánh hamburger là một hình ảnh quen thuộc, thì nay là thời của sushi. Những nhân viên công sở cầm hộp sushi vừa rảo bước trên phố vừa nhón tay nhấc lên những miếng cơm cuộn đã thành mode ở nhiều quốc gia cả phương Tây lẫn châu Á.
Sushi – và cả người anh em họ từ Hàn Quốc: kimbap – có thể ăn vào cả 4 mùa trong năm. Là một món ăn nguội, xếp gọn gàng trong một chiếc khay (hoặc hộp), có hương vị tươi mới và thanh tao nhưng lại rất đủ chất: có cả tinh bột, chất-đạm-không-cholesterol từ cá và hải sản, và vitamin từ rau củ. Hơn thế, do có "hạn sử dụng" cực ngắn, đây là món ăn đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe nhất về sự tươi ngon của nguyên liệu cũng như yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.Để phục vụ nhu cầu giảm cân của phần đông người dân trong xã hội, giờ đây mỗi món sushi đều có kèm tên, và số kCal của món sushi ấy. Như món sushi cá hồi có giá trị dinh dưỡng 127 kCal, sushi tôm 208 kCal... Với những thông tin này, bất kỳ thực khách nào cũng sẽ tính toán được bữa ăn của mình thừa hay thiếu chất để cân đối.
Ngoài ra, thay vì dùng đũa như truyền thống, người ta có xu hướng coi những hộp sushi hay kimbap kiểu takeaway như là những món finger food (ăn bằng tay), do đó các đầu bếp cũng lựa chọn chủ yếu là kiểu sushi có lớp rong biển hoặc cơm bọc ngoài, đôi khi rắc thêm chút vừng đen, để đảm bảo sự khô ráo và vệ sinh cho món ăn.Cứ thử tưởng tượng, bạn đang bận ngập đầu với công việc, đến thời gian đi ăn còn chẳng có. Nhưng rồi bạn mở nắp hộp và sững sờ trước những màu sắc sushi bày ra trước mắt như một bức tranh, một cơ hội để bạn thư giãn đầu óc đấy chứ.
Bạn hãy thử gắp một miếng sushi cá hồi. Ùa vào trong bạn sẽ là vị chua thanh của dấm, vị ngọt của nước tương trộn lẫn với tinh bột gạo, vị cay của mù tạt nhột nhạt nơi đầu lưỡi, vị mát lạnh của củ cải bào, vị đắng the rất dịu của lá tía tô, vị ngai ngái hăng của miếng gừng muối… Tất cả những hương vị này không chỉ giúp cân bằng chất dinh dưỡng, mà còn trợ giúp đắc lực cho quá trình tiêu hóa – khiến cơ thể bạn thu nhận trọn vẹn chất dinh dưỡng trong món ăn, mà không có đến 1 miligam chất béo dư thừa.