18:28 22/07/2024

Tài chính xanh thúc đẩy kinh tế tăng trưởng theo hướng bền vững

Phạm Vinh

Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững của một quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để phát triển thị trường tài chính xanh, cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh…

Tài chính xanh là một trong những yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững - Ảnh minh họa
Tài chính xanh là một trong những yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững - Ảnh minh họa

Tín dụng xanh, hay tài chính bền vững, đã trở thành một yếu tố then chốt của hệ thống tài chính toàn cầu. Tín dụng xanh không chỉ giải quyết các thách thức môi trường mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế và nâng cao sự chống chọi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, tài chính xanh cũng đã được khẳng định là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

CẦN THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH XANH

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0. Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về vào năm 2050.

Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Tham gia tích cực vào mục tiêu Net Zero vào năm 2050 phải kể đến các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tài chính ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh để hỗ trợ các dự án và sáng kiến có tác động tích cực đến môi trường. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Tính đến 31/03/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

 

Tài chính xanh không chỉ là hiện tại mà còn là tương lai của Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố bản lề, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, tuy nhiên, tài chính xanh cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự đột phá trong việc triển khai. Những con số như tín dụng xanh chưa đến 5% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hay mới hơn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành… là những con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn Tài chính xanh năm 2024, với chủ đề ‘‘Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” tổ chức chiều 22/07, đại diện Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) cho biết nhiều năm qua, Nam A Bank đã "xanh hóa" danh mục tín dụng, liên tục xây dựng thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng, hoạt động kinh doanh tập trung ở các lĩnh vực: Nông nghiệp thông minh; Du lịch xanh; Doanh nghiệp xanh. Cho đến nay đã đạt được quy mô khá lớn trong danh mục cấp tín dụng và đang chiếm khoảng 10% quy mô tín dụng của Nam A Bank, đã giải ngân hơn 12 ngàn tỷ đồng với gần 10.000 khoản vay.

  ƯU TIÊN HỖ TRỢ CÁC DỰ ÁN XANH 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Tài chính về tăng trưởng xanh như xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, trong đó trọng tâm là phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.

Theo TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời gian qua, cơ quan này cùng các sở giao dịch chứng khoán và các bên liên quan đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao nhận thức của thành viên thị trường, doanh nghiệp niêm yết về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, các sản phẩm tài chính xanh.

Các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước ưu tiên vốn cho các dự án xanh của doanh nghiệp - Ảnh minh họa 
Các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước ưu tiên vốn cho các dự án xanh của doanh nghiệp - Ảnh minh họa 

Đối với thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cũng như chương trình hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Các ngân hàng nước ngoài như HSBC, UOB, Standard Chartered… đã dành ngân sách lớn để hỗ trợ các dự án xanh của Doanh nghiệp. Tương tự, các ngân hàng thương mại trong nước cũng đang chuyển động mạnh mẽ sang hoạt động cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp. Do đó, tín dụng xanh không ngừng được mở rộng.

Trong nước, các ngân hàng lớn cũng ưu tiên về tín dụng xanh. Với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phát triển tín dụng xanh được ngân hàng này đặt ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh dài hạn. BIDV cũng đã cho vay các dự án xanh từ rất sớm với dư nợ tín dụng xanh nằm trong top những ngân hàng dẫn đầu thị trường. Tính đến 31/12/2023, BIDV đã tài trợ cho khoảng 1.700 khách hàng với 2.100 dự án/phương án thuộc lĩnh vực xanh, dư nợ đạt trên 74.000 tỷ đồng, chiếm gần 4,2% tổng dư nợ của BIDV và chiếm 12% tổng dư nợ tính dụng xanh toàn nền kinh tế.

BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (International Capital Market Association - ICMA) tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, BIDV còn hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn thông qua dịch vụ tư vấn, thu xếp vốn cho doanh nghiệp để phát hành trái phiếu xanh. Trong năm nay, BIDV tiếp tục đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng xanh.

Nam A Bank cũng đã tích cực tìm kiếm nguồn vốn xanh từ các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Nam A Bank đã hợp tác cùng Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu GCPF từ năm 2018 và gần đây nhất là Quỹ đầu từ RespondAbility (Thụy Sĩ) nhằm triển khai cho vay xanh với hạn mức ban đầu là 20 triệu USD và dự kiến quy mô này sẽ đang được tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

 

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan có liên quan. Đề án này đang được hoàn thiện ở các bước cuối cùng để trình các cấp có thẩm quyền ban hành.

Theo đó, dự kiến đến 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.