06:00 01/02/2025

Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng số và xanh

Ngọc Lan

Việt Nam đã chủ động trong việc bắt nhịp xu thế chuyển đổi kép. Tuy nhiên, cần nhiều hơn nữa các chương trình hành động cụ thể được triển khai hiệu quả để doanh nghiệp không bị mất cơ hội trong công cuộc chuyển đổi số và xanh...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chuyển đổi kép – chuyển đổi xanh và chuyển đổi số - đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia, giúp hướng đến đồng thời các mục tiêu phát triển bền vững và số hóa, khai thác tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi kép này. Nghiên cứu mới nhất của HSBC đã nhanh chóng nắm bắt xu thế này, lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đa chiều trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép. Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn năm 2050.

Năm 2025 sẽ là năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP, tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%...

Về phía doanh nghiệp, HSBC cho biết các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn. Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư.

Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh. Theo khảo sát năm 2022 của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Còn theo một khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân công bố năm 2024, có 48,7% doanh nghiệp cho rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết.

XU THẾ CỦA TẤT CẢ CÁC NGÀNH, KHU VỰC

Về từng ngành cụ thể, nông nghiệp là ngành đặc thù của sản xuất gắn chặt với đặc điểm của cây trồng, vật nuôi, các sản phẩm lâm nghiệp, sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp được lựa chọn là một trong tám ngành trọng tâm để tiến hành chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong những năm qua, với vị thế là ngành trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp đã tái cấu trúc cùng quá trình chuyển đổi số của ngành, coi chuyển đổi số trong nông nghiệp là động lực quan trọng, có tính chất đột phá để tất cả các thành tố, thành phần trong lĩnh vực nông nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân, cộng động doanh nghiệp, ngành hàng thích ứng với mọi sự thay đổi.

“Nếu không có chuyển đổi số thì chúng ta sẽ chỉ làm theo cách cũ, không có sự chuyển mình để thích ứng với thị trường, trong khi đòi hỏi của thị trường đầu ra là vô cùng khắc nghiệt và ngày càng cao theo những tiêu chuẩn quốc tế,” ông Toản nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo ông Toản, những cam kết lớn của Việt Nam trong các Hội nghị COP gần đây đã chứng tỏ rằng nông nghiệp là một trong những lĩnh vực thích ứng với chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, hướng tới một nền nông nghiệp trách nhiệm, minh bạch và gắn chặt với sự thân thiện môi trường.

Chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới và tác động trực tiếp tới các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp. “Chính vì thế trong chuyển đổi xanh thì chuyển đổi số là phương tiện quan trọng để thúc đẩy xu hướng này. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể quan trọng, thúc đẩy tái cấu trúc của ngành”, ông Toản cho biết.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp điện tử nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ cho điện tử nói chung, chuyển đổi số là bắt buộc khi tham gia vào chuỗi cung ứng. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, chia sẻ: các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã triển khai chuyển đổi số từ rất sớm và hiện đang chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn, tức là lựa chọn các giải pháp phần mềm ứng dụng cho chuyển đổi số hiệu quả hơn và mang tính tự động hóa nhiều hơn.

Bà Hương cũng nhấn mạnh rằng hiện nay đối với ngành công nghiệp điện tử, chuyển đổi số gần như là gắn với chuyển đổi xanh, cũng như chuyển đổi xanh là kết quả của chuyển đổi số thành công.

“Việt Nam trong thời gian qua đã tận dụng được những cơ hội từ cuộc cách mạng số và xanh. Đây là phương tiện quan trọng giúp nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, dựa nhiều hơn vào đổi mới, năng suất lao động. Điều này không chỉ nhằm mục đích nâng vị trí của chúng ta trên bản đồ kinh tế số thế giới, mà còn là phương thức sản xuất mới, phương thức sản xuất hiện đại hơn, giúp cho nền kinh tế nâng cao năng suất, chuyển đổi trở thành mô hình tăng trưởng hiện đại trong tương lai”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, phân tích.

Báo cáo của HSBC công bố tháng 10/2024 nhận định Việt Nam có những thuận lợi để triển khai chuyển đổi kép. Trước hết, những yếu tố nhân khẩu học như dân số 100 triệu với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%, gần 80% dân số sử dụng internet, số người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với thập kỷ trước… đã góp phần mở ra tiềm năng lớn về tiêu dùng số cho Việt Nam. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 16%. Xét về tổng giá trị hàng hóa giao dịch (gross merchandise value), Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Là nước có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, trong hành trình này, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam lưu ý đến thách thức là làm thế nào để nâng cao trình độ hiểu biết về chuyển đổi số của Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu. Chương trình chuyển đổi số quốc gia là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của Chính phủ tìm cách đóng vai trò tích cực để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Nhìn chung, số hóa mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Để tận dụng nhân khẩu học thuận lợi và đạt được tham vọng số của mình, các khoản đầu tư cần được chuyển hướng không chỉ vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI), mà còn cả nền tảng như giáo dục số và cơ sở hạ tầng truyền thống.

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng chỉ ra rằng cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ. Vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD, chưa đến một nửa vốn đầu tư cần thiết.

CẦN BƯỚC CHUYỂN MÌNH ĐỂ VƯỢT QUA THÁCH THỨC

Chi phí đầu tư là thách thức hàng đầu trong chuyển đổi số, theo 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID. Do đó, cần phát huy vai trò của các ngân hàng tạo điều kiện khơi thông dòng chảy vốn, kết nối nhà đầu tư, cung cấp cho khách hàng kiến thức chuyên môn liên quan và dẫn vốn đi đúng hướng.

 
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới và tác động trực tiếp tới các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp.

Chính vì thế trong chuyển đổi xanh thì chuyển đổi số là phương tiện quan trọng để thúc đẩy xu hướng này. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể quan trọng, thúc đẩy tái cấu trúc của ngành.

Với đặc thù của ngành nông nghiệp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thách thức đó là liệu người nông dân có thay đổi với chuyển đổi kép hay không? Mặc dù là xu thế, nhưng các hiệp hội, các doanh nghiệp, ngành hàng có quan tâm, có thực sự coi việc chuyển đổi này là một động lực mới hay chưa? Trong công cuộc chuyển đổi này, các cơ quan quản lý nhà nước phải hướng tới sự minh bạch, trách nhiệm, tạo ra chất lượng dịch vụ công đưa đến cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với ngành công nghiệp điện tử, ba thách thức lớn nhất là chính sách, vốn đầu tư và nhân lực chất lượng cao. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhìn nhận hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô nhỏ, do đó, các doanh nghiệp này hạn chế quy mô vốn cũng như việc tiếp cận các nguồn lực tài trợ khi hạ tầng chưa đủ các điều kiện để tiếp cận được các khoản vay, tài trợ phù hợp cho chuyển đổi số và xanh.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng là yếu tố mà doanh nghiệp phải đầu tư, đào tạo về chuyển đổi số và xanh một cách bài bản. Khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các nước xuất khẩu chính của ngành công nghiệp điện tử càng ngày càng đưa ra yêu cầu khắt khe trong chuyển đổi số và xanh...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 2-2025 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng số và xanh - Ảnh 1