Vẫn chưa thể giải ngân các gói tài chính cho chuyển đổi kép
Các quỹ đầu tư và ngân hàng quốc tế đã bắt đầu quan tâm và có những gói tài chính thiết thực để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuyển đổi kép. Tuy vậy, việc thiếu hành lang pháp lý chính sách để đánh giá dự án xanh đang khiến nguồn vốn xanh này chưa thể giải ngân…
Chia sẻ tại Hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Luật sư Vũ Minh Tiến, Thành viên HĐQT VIAD Group cho biết nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn mơ hồ về chuyển đổi kép, không biết nên ưu tiên chuyển đổi số hay chuyển đổi xanh.
“Phần lớn các doanh nghiệp đang quan tâm và đẩy mạnh chuyển đổi kép là các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đa phần là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, lại không mặn mà với câu chuyện chuyển đổi kép. Làm sao để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn ban đầu, tiếp cận với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là điều cấp bách hiện nay”, Luật sư Vũ Minh Tiến nhấn mạnh.
THÁCH THỨC CHO DOANH NGHIỆP NHỎ
Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế - xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Vấn đề chuyển đổi xanh cũng đã được tích cực lồng ghép và thúc đẩy triển khai thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của quốc gia... và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
“Ngành công nghiệp ghi nhận nhiều chuyển biến trong hiện đại hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ cấu lại các ngành tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới” - TS. Lê Việt Anh khẳng định.
Về chuyển đổi số, mặc dù đi sau chuyển đổi xanh, nhưng trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt dưới tác động của dịch Covid-19, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng chính trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Dù đạt được nhiều kết quả bước đầu song theo bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, các vấn đề mới phát sinh liên tục, doanh nghiệp sẽ rất khó thích ứng với tình hình và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi nếu không chuyển đổi, chuyển đổi chậm hay chuyển đổi không hiệu quả.
“Khả năng tiếp cận, thích ứng và chuyển hóa thành hành động của các doanh nghiệp lớn tốt hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hay hợp tác xã… Đây là vấn đề cần lưu tâm khi có tới 97-98% doanh nghiệp của Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Trường Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Roland Berger cho rằng chuyển đổi kép đang là xu thế mà các quốc gia trên thế giới đang theo đuổi, vì vậy, đây vừa là áp lực, vừa là động lực mới, cơ hội mới cho mọi doanh nghiệp.
“Chuyển đổi kép bao gồm chuyển đổi về năng lượng và chuyển đổi số. Cả 2 quá trình chuyển đổi này đều tạo áp lực cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ vốn có hạn chế về nguồn lực, nhân lực…”, ông Trường Bùi nhấn mạnh.
TÌM CÁCH VƯỢT QUA
Dù không có mô hình chuyển đổi kép chung cho tất cả các doanh nghiệp song theo ông Trường Bùi, chuyển đổi xanh hay chuyển đổi số có thể chỉ đơn giản là sáng kiến hay ý tưởng để tiết kiệm năng lượng hơn hay vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn.
“Chuyển đổi kép không phải là chi hàng tỷ đồng cho công nghệ hay giải pháp về năng lượng. Quan trọng là tư duy, tầm nhìn và định hướng rõ nét của doanh nghiệp trong việc vận hành doanh nghiệp hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn năng lượng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hoạt động hiệu quả hơn”, ông Trường Bùi nói.
Còn theo Luật sư Vũ Minh Tiến, để thúc đẩy sự chuyển đổi của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần được triển khai hiệu quả hơn. Cùng với đó là việc đẩy nhanh việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon nhằm giải quyết nút thắt tài chính trong quá trình chuyển đổi.
“Rất nhiều tổ chức phi chính phủ, các quỹ, các ngân hàng quốc tế đã bắt đầu quan tâm và có những gói tài chính thiết thực mà Việt Nam có thể tham gia. Tuy nhiên, chúng ta chưa có hành lang pháp lý để đánh giá đâu là dự án xanh, đâu là dự án có thể cấp tín dụng xanh. Để khắc phục vấn đề này, một số tổ chức tài chính đã áp dụng những quy chuẩn tương tự ở một số quốc gia khác áp dụng cho gói tiền gửi xanh hay trái phiếu xanh. Song đây chỉ là giải pháp tạm thời. Việt Nam cần có hành lang pháp lý chính sách đầy đủ và kịp thời để nhanh chóng giải ngân những khoản tiền này cho doanh nghiệp”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang trong “cuộc chơi” toàn cầu nên các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ luật chơi toàn cầu mới có thể cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, các quốc gia EU quy định các công ty niêm yết phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Và vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng vào EU cũng phải tuân thủ quy định nếu không muốn loại khỏi chuỗi cung ứng. Đây là áp lực lớn với doanh nghiệp Việt song cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tạo “bước ngoặt” nhờ chuyển đổi xanh.
“Nếu chậm chuyển đổi, doanh nghiệp có thể mất cơ hội tham gia với thị trường phát triển. Song nếu chuyển đổi nhanh quá, doanh nghiệp có thể sẽ mất năng lực cạnh tranh do chi phí chuyển đổi cao đẩy giá thành sản phẩm của doanh nghiệp lên cao và doanh nghiệp khó cạnh tranh. Nhưng đó chỉ là trước mắt bởi về lâu về dài, doanh nghiệp EU sẽ buộc phải tìm đối tác khác nếu doanh nghiệp chúng ta không đáp ứng được yêu cầu của họ”, ông Thọ cho biết.
Ở thời điểm này, Việt Nam đang ở vị trí trung vị trong xếp hạng chỉ số kinh tế xanh (79/160 quốc gia được xếp hạng). Điều này, theo ông Thọ, có nghĩa rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt để thực hiện chuyển đổi kép, đặc biệt là chuyển đổi xanh và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời áp mái…