15:43 25/09/2024

Tân Hoàng Minh mong được nhận lại các tài sản đảm bảo

Đỗ Mến

Sáng 25/9, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đơn kháng cáo xin giảm án của ông Đỗ Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Ông Dũng hầu tòa sáng 25/9.
Ông Dũng hầu tòa sáng 25/9.

Ngoài ra, có 1/6.600 bị hại là bà Phạm Thị T. kháng cáo đề nghị tăng hình phạt với ông Dũng.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt ông Dũng 8 năm tù.

Bản án sơ thẩm xác định, do gặp khó khăn tài chính, bị cáo Dũng đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt và các bị cáo khác huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Các bị cáo sử dụng pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư; liên hệ với một số công ty kiểm toán để làm đẹp báo cáo tài chính sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu; sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu và cho tổ chức chạy dòng tiền khống để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu nhằm chiếm đoạt hơn 8.643 tỷ đồng.

ĐỀ NGHỊ GIẢM ÁN TỪ 6-9 THÁNG TÙ 

Tại tòa phúc thẩm, ông Dũng cho rằng ngay từ đầu, bị cáo không hề có ý thức chiếm đoạt tài sản, mà huy động qua trái phiếu để đầu tư vào các dự án.

"Ở trong trại hơn 900 ngày, tuổi tôi cũng đã nhiều. Trong khi đó, Tân Hoàng Minh cần phải tiếp tục kinh doanh để trả nợ ngân hàng, trả lãi cho nhà đầu tư. Tôi xin tòa giảm án để tiếp tục được cống hiến cho tập đoàn, xã hội. Tân Hoàng Minh còn rất nhiều dự án. Nếu tôi không về sớm thì lượng lớn tài sản bị hoang phí", ông Dũng trình bày.

Nhà đầu tư Phạm Thị T. cho biết, bà mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, thời hạn 1 tháng, số tiền này có huy động từ bạn bè. Nhưng sau khi mua trái phiếu 5 ngày thì ông Dũng bị bắt, trái phiếu không còn giá trị. Do bạn bè thúc giục đòi nợ nên bà phải vay 2 tỷ đồng. Bên vay khởi kiện bà ra tòa. Ngoài việc trả nợ gốc, bà còn phải bồi thường nợ lãi 400 triệu đồng.

Bị hại cho rằng, các bị cáo đã gây cho bà nhiều thiệt hại về kinh tế, sức khỏe... Vì vậy bà này kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị tăng hình phạt với ông Dũng. Bởi lẽ mức án 8 năm tù chưa có mức răn đe. Ngoài tiền gốc, bà T. yêu cầu ông Dũng phải bồi thường cả khoản lãi.

Trước kháng cáo của bị hại, ông Dũng nói tôn trọng quyết định của tòa.

Trình bày tại tòa, ông Dũng nói về các gói trái phiếu trên có tài sản đảm bảo. Trong phương án đầu tiên, tài sản đảm bảo có giá trị gấp 1,5 lần số tiền phát hành.

Với tài sản đảm bảo đó, Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng với các đơn vị để quản lý tài sản.

Đại diện Tân Hoàng Minh giải thích về hợp đồng quản lý tài sản gồm phí quản lý tài sản và phí quản lý tài khoản. Công ty có đơn gửi cơ quan điều tra, tòa án xin rút tài sản về nhưng chưa được xem xét vì phải chờ phán quyết cuối cùng.

Vị này cho biết Tân Hoàng Minh phải trả các phí dịch vụ là 48 tỷ đồng. Công ty có ý kiến là không nộp thêm tiền cho các dịch vụ quản lý tài sản còn lại. Với số tiền đã nộp thì công ty không có ý kiến.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng tòa sơ thẩm phạt bị cáo Dũng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội, không oan.

Xét kháng cáo của bị cáo, bị hại thì thấy, về tính chất, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo có vai trò cao nhất trong vụ án. Bị cáo phạm tội nhiều lần. Bên cạnh đó, bị cáo Dũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhiều bị hại có đơn xin giảm án... Do bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ, tòa sơ thẩm tuyên 8 năm tù là có căn cứ, phù hợp.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo nộp thêm tài liệu đag điều trị bệnh ung thư dạ dày...

Với căn cứ trên, Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của bị hại. Đồng thời đề nghị chấp nhận giảm án cho bị cáo Dũng từ 6-9 tháng tù.

LUẬT SƯ MONG GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ VỤ ÁN

Bào chữa cho bị cáo Dũng, luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết về thiệt hại, Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội đã chi trả hết cho các nhà đầu tư (còn duy nhất 1 bị hại kháng cáo).

Các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho bị hại.
Các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho bị hại.

Lẽ ra nếu không trục trặc xác minh thông tin bị hại có thể thực hiện ngay từ hồi điều tra. Do vậy, thiệt hại được khắc phục triệt để.

Ông Dũng nhận thức ra đây là bài học đắt giá vì không tìm hiểu sâu pháp luật. Thời gian tạm giam bị cáo chấp hành rất tốt. 

Do thời gian tạm giam đã rất dài, gần 1.000 ngày nên luật sư đề nghị giảm 3 năm tù cho bị cáo.

Về phần dân sự, luật sư cho rằng, các gói trái phiếu có tài sản đảm bảo và bị Ủy ban chứng khoán hủy vì trái pháp luật. Tòa sơ thẩm cũng kết luận là hành vi phạm tội. Nhìn tổng thể, đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Giao dịch gốc không có giá trị thì các giao dịch có liên quan cũng không có giá trị như giao dịch phát hành (có hoạt động như định giá, quản lý tài sản, quản lý tài khoản....). Có giao dịch đã thực hiện xong như định giá, tư vấn phát hành.

Còn các hoạt động chưa thực hiện xong, luật sư Tú cho rằng về quản lý tài sản đảm bảo, bên quản lý nhận hồ sơ giấy tờ, phí thực chất chưa phát sinh nhưng Tân Hoàng Minh đã chuyển một phần tiền nhưng với phần chưa chuyển công ty đề nghị không trả nữa. Tương tự với cả phí quản lý tài khoản.

Theo Bộ luật Dân sự, công ty đã trả hết tiền cho các bị hại thì các bên phải trả lại giấy tờ của công ty.

Luật sư mong muốn Hội đông xét xử đưa nội dung này vào bản án, giúp các bên giải quyết triệt để vấn đề.

Trước tòa, ông Dũng nói đây là bài học rất đau đớn với tôi.

"Trong giai đoạn cuộc đời trầm bổng, tôi mong vượt qua vì phía trước còn gia đình. Công ty tôi có hơn 2.000 cán bộ nay chỉ còn hơn 100 người, rất khó khăn. Tôi đã đóng góp nhiều cho xã hội, rất mong tòa cho tôi bản án để được sớm trở về. Vì các con tôi không thể chèo lái tập đoàn lớn.

Chúng tôi trải qua nhiều sóng gió để xây dựng gìn giữ thương hiệu, qua báo chí tôi biết các dự án tăng giá gấp đôi. Tôi tha thiết mong muốn Hội đồng xét xử cân nhắc toàn diện khía cạnh để cho tôi bản án nhẹ nhất bởi vì để nhận bản án 8 năm là rất nặng nề", ông Dũng nói.