10:16 24/09/2008

Tân Thủ tướng Nhật đối mặt nhiều khó khăn

Trung Việt

Trong bối cảnh kinh tế Nhật đang suy thoái, tân Thủ tướng nước này đối mặt nhiều khó khăn

Tân Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso.
Ông Taro Aso vừa được Đảng LDP cầm quyền bầu làm Chủ tịch  và kế nhiệm Thủ tướng Fukuda vào ngày 24/9.

Trong bối cảnh kinh tế Nhật đang suy thoái, bị tác động mạnh từ khủng hoảng tài chính Mỹ, Thủ tướng Aso đối mặt nhiều khó khăn.

Aso đã giành thắng lợi với 351 trong tổng số 527 phiếu bầu, hôm 22/9. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) hiện chiếm đa số tại Hạ viện, nên ông chắc chắn sẽ được QH bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản, tại cuộc họp ngày 24/9.

Chia ghế để bảo đảm đoàn kết nội bộ LDP

Ông Taro Aso sinh ngày 20/9/1940 tại Iizuka, Fukuoka, trong một gia đình danh giá, có truyền thống hoạt động chính trị. Aso tốt nghiệp khoa Kinh tế và Chính trị trường Đại học Gakushuin; từng  theo học tại Đại học Stanford, Mỹ và học 1 năm ngành kinh tế tại Trường Kinh tế London, Anh.  Ông là con rể của cựu Thủ tướng Zenko Suzuki.

Sự nghiệp chính trị của Aso bắt đầu vào tháng 11/1979, khi ông được bầu làm thành viên của Nghị viện Nhật Bản. Năm 1988, ông trở thành Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Sau đó, từng giữ các chức vụ: Bộ trưởng Nội vụ; Bộ trưởng Bưu điện và Truyền thông; Bộ trưởng Ngoại giao. Ngày 1/8/2008, ông Fukuda đã bổ nhiệm Taro Aso làm Tổng thư ký LDP.

Với tư cách Chủ tịch LDP, Aso sẽ kế thừa ghế Thủ tướng của người tiền nhiệm Fukuda từ nay đến tháng 9/2009. Là Thủ tướng, ông có thể sẽ tuyên bố giải tán Hạ viện nhằm mở đường cho cuộc tổng tuyển dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10 tới.

Sau khi được bầu làm Chủ tịch LDP, ngày 22/9, Aso đã bổ nhiệm cựu Chánh văn phòng nội các H. Hosoda, 64 tuổi, làm Tổng thư ký LDP. Các vị trí chủ chốt khác trong ban lãnh đạo đảng dưới thời của người tiền nhiệm  Fukuda vẫn được giữ nguyên. Theo dự kiến, ông Aso sẽ công bố thành phần nội các mới vào ngày 24/4.

Trong quá trình tranh cử, ông Aso cam kết sẽ tăng chi tiêu công và cắt giảm thuế để kích thích nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục sứ mệnh tiếp nhiên liệu của Nhật Bản cho các tàu liên quân tại Ấn Độ Dương trong cuộc chiến chống khủng bố...

Vực dậy nền kinh tế, nhiệm vụ nặng nề

Ông Aso trở thành Thủ tướng trong bối cảnh chính phủ vừa tuyên bố, kinh tế Nhật đang suy thoái, chấm dứt thời kỳ phát triển kinh tế dài nhất của Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, kéo dài trên 78 tháng.  Trong khi đó, ngành ngân hàng Nhật Bản đang trở thành nạn nhân của cơn địa chấn tài chính Mỹ tuần trước.

Theo các chuyên gia, khu vực tài chính của Nhật Bản đang phải gồng mình trước vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers hôm 15/9. Vì 8 ngân hàng của Nhật Bản đang nắm giữ lượng trái phiếu trị giá hơn 3 tỷ USD và các khoản vay có liên quan đến Lehman Brothers; trong đó 1,33 tỷ USD (khoảng 40%) không có gì đảm bảo.

Theo hãng tin Bloomberg, các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Nhật có nguy cơ thua lỗ tới 2,33 tỷ USD do sự phá sản của Lehman Brothers. Các thể chế tài chính ở Nhật dễ trở thành nạn nhân của khủng hoảng tài chính Mỹ, vì 30 ngân hàng địa phương ở nước này hiện nắm giữ tới 581 triệu USD trái phiếu và các khoản vay của Lehman Brothers, cộng thêm với các trái phiếu lên tới 1,86 tỷ USD mà Lehman Brothers đang lưu hành tại Nhật Bản.

Sau một loạt sự cố tài chính ở Mỹ tuần trước, ngày 18/9, BOJ đã phải đổ gần 24 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Tokyo để điều chỉnh thị trường cho vay ngắn hạn giữa các ngân hàng và tổ chức tài chính. BOJ cũng  đã ký với Cục dự trữ liên bang Mỹ một thoả thuận trao đổi tiền tệ trị giá 60 tỷ USD để cung cấp các khoản vay bằng USD cho các thể chế tài chính của Nhật bị tổn thương nghiêm trọng nhất.

Ngoài khó khăn của ngành tài chính-ngân hàng, Nhật Bản cũng đang đối mặt tình trạng lạm phát tăng cao do giá các nhu yếu phẩm tăng, trong khi nhiều mặt hàng công nghiệp trong nước giảm giá và tiêu thụ chậm. Dấu hiệu suy thoái kinh tế được báo động ở nhiều lĩnh vực. Xuất khẩu và đầu tư, hai “động lực” của nền kinh tế Nhật Bản từ 5 năm qua, cũng bị đình trệ, do ảnh hưởng của kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái...