Tân Uyên đối mặt bài toán nhà ở cho người lao động
Lĩnh vực công nghiệp phát triển nhanh, mạnh trong khi người lao động đổ dần về làm việc, sinh sống ngày càng tăng đang gây áp lực lớn cho việc xây dựng các dự án nhà ở tại Tân Uyên, Bình Dương...
Lĩnh vực công nghiệp phát triển nhanh, mạnh trong khi người lao động đổ dần về làm việc, sinh sống ngày càng tăng đang gây áp lực lớn cho việc xây dựng các dự án nhà ở tại Tân Uyên, Bình Dương.
NHU CẦU NHÀ Ở TĂNG MẠNH
Theo thống kê, hiện nay Bình Dương đang có 50.000 chuyên gia nước ngoài và hơn 1,2 triệu lao động đến từ các tỉnh, thành trong cả nước làm việc. Tổng cộng 29 khu công nghiệp đang hoạt động tại Bình Dương hiện nay thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp mở nhà máy sản xuất, tạo việc làm cho 485.670 lao động Việt Nam và 14.900 lao động nước ngoài. Chưa kể 12 cụm công nghiệp cũng đang là nơi làm việc của 40.000 lao động, theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương tính đến hết quý 2/2021.
Dân số nhập cư khá đông nhưng các doanh nghiệp tại Bình Dương vẫn đang rất “khát” lao động, số lượng cần tuyển dụng lên đến hàng chục ngàn người. Trong đó, Thuận An và Tân Uyên với khoảng chục khu công nghiệp lớn đang cần tuyển nhiều lao động nhất với tỷ lệ lần lượt là 23,68% và 20,88%. Điều này tạo áp lực lớn cho chiến lược phát triển các dự án nhà ở giúp người lao động “an cư lạc nghiệp”.
Thực tế, Thuận An kể từ khi lên thành phố đã bắt đầu xu hướng phát triển các khu căn hộ hiện đại. Xu hướng này vừa đảm bảo nhanh chóng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động vừa dành quỹ đất phát triển thương mại - dịch vụ.
Trong khi đó, theo định hướng của tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2020-2025 Tân Uyên tiếp tục phát triển đô thị công nghiệp - dịch vụ. Các khu công nghiệp trên địa bàn như Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, VSIP 2, Đất Cuốc, Uyên Hưng… đã lấp đầy nên sắp tới Tân Uyên sẽ phát triển thêm một số khu công nghiệp mới. Đáng chú ý là khu công nghiệp VSIP 3 với tiện ích lên đến 1.000ha khi đi vào hoạt động sẽ thu hút rất nhiều lao động đến làm việc.
Phần lớn diện tích tự nhiên của Tân Uyên được quy hoạch phát triển khu công nghiệp và thương mại – dịch vụ. Như vậy, bài toán đặt ra cho giai đoạn sắp tới là phát triển các dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của người dân.
GIÁ ĐẤT TĂNG DO KHAN HIẾM
Tân Uyên có vị trí trung tâm nối liền các đô thị phát triển mạnh như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Phú Giáo. Đây là lợi thế giúp thị trường bất động sản Tân Uyên phát triển nhanh, bên cạnh việc gắn liền với hoạt động của các khu công nghiệp lớn, nhu cầu nhà ở rất cao.
Mới đây, Bình Dương đã thống nhất chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố Tân Uyên là cơ sở để thị xã Tân Uyên đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đô thị và hiệu quả quản lý. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 Tân Uyên mời gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dự án thương mại - dịch vụ, khu dân cư và hình thành các khu vực phát triển đô thị để đạt chuẩn đô thị loại 2 trước năm 2025. Tuy nhiên, việc khan hiếm quỹ đất sạch, pháp lý hoàn chỉnh đang là vấn đề gây đau đầu cho các nhà phát triển dự án bất động sản.
Thông tin nói trên đã kích hoạt giá bất động sản Tân Uyên tăng dựng đứng, hiện ở mức 17-20 triệu đồng/m2 đối với các dự án ở khu vực trung tâm đô thị hoặc liền kề khu công nghiệp như Nam Tân Uyên, Uyên Hưng... Giới đầu tư dự báo nếu lên thành phố, mặt bằng giá bất động sản Tân Uyên sẽ tiệm cận Thuận An và Dĩ An, bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2, nhờ vị trí liền kề.
Tuy vậy, không chỉ các nhà đầu tư bất động sản mà nhiều người lao động vẫn bị hút về thị trường bất động sản Tân Uyên. Nguyên nhân không chỉ để đón sóng tăng giá mà còn bởi nhu cầu nhà ở bức bách để ổn định nơi sinh sống, đồng thời e ngại càng để lâu giá bất động sản càng tăng vượt tầm với.
Khảo sát cho thấy nhu cầu của khách hàng tại Tân Uyên hầu hết là nhà xây sẵn hoặc mua đất rồi tự xây nhà. Đây cũng là tâm lý chung của số đông người dân khiến cho biên độ tăng giá đất hoặc nhà xây sẵn luôn tốt hơn so với phân khúc căn hộ.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Tân Uyên còn hưởng lợi trực tiếp từ một loạt dự án hạ tầng lớn giúp thu hút dòng vốn đầu tư. Có thể kể đến như đại lộ Nam Tân Uyên, đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, đường tạo lực Tân Uyên – Phú Giáo, Vành đai 4, ĐT743, ĐT747B, ĐT746… Các dự án này không chỉ nâng tầm phát triển cho Tân Uyên mà còn là đòn bẩy cực mạnh làm tăng giá bất động sản của cả khu vực.