06:00 20/01/2023

Tăng chất Việt trên thị trường gia vị

Băng Hảo

Các món ăn từ đặc sản đến bình dân, truyền thống hay hiện đại của người Việt đều không thể thiếu gia vị đi kèm. Giờ đây, nét tinh túy này còn hiện diện trong các sản phẩm đóng gói sẵn để vươn ra thị trường thế giới…                    

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học rất khác biệt để tạo ra những sản phẩm nông sản gồm các loại gia vị và hương liệu với chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới. Thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân nhiều khu vực trên thế giới đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành gia vị và hương liệu Việt Nam.

THỊ TRƯỜNG NHỎ MÀ AI CŨNG PHẢI NGƯỚC NHÌN

Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành gia vị và hương liệu đi qua thời kỳ khó khăn và phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, tăng cường các sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị gia tăng cao hơn. Tại tọa đàm “Dòng chảy thị trường gia vị” hồi tháng 4/2022, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, gia vị là một trong những thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp gia vị Việt Nam ngày càng chú ý hơn tới sản xuất công nghiệp, dẫn tới sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các doanh nghiệp Việt với các công ty đa quốc gia và các sản phẩm ngoại nhập.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã đầu tư dây chuyền để tham gia cuộc đua tranh mới. Bên cạnh những sản phẩm gia vị nêm nếm như nước chấm, hạt nêm, bột ngọt không còn nhiều khả năng phát triển chủng loại, các nhà sản xuất quay sang cạnh tranh về thị phần gia vị ướp và chấm. Để làm phong phú cho hàng hóa của mình, các hãng chọn cách đơn giản nhất là cung cấp nhiều dạng đóng gói để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu. Theo đó, gia vị bây giờ không chỉ là dạng bột, mà còn có dạng viên nén, sốt sệt... với giá từ vài nghìn đồng, đến vài chục nghìn đồng nhằm mở rộng đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp.

Sức hấp dẫn của thị trường gia vị đã thu hút hàng loạt tập đoàn quốc tế vào Việt Nam như Unilever, (Anh), Ajinomoto (Nhật Bản), Miwon (Đài Loan), Nestlé (Thụy Sĩ)... Không chấp nhận sự độc chiếm của hàng nhập, các doanh nghiệp trong nước cũng lấn sân khi từng bước giới thiệu các loại gia vị cho món ăn từ nội đến ngoại. Chỉ riêng nước mắm cũng đã trở thành một thị trường cạnh tranh khốc liệt bởi hàng loạt thương hiệu như Thuận Phát, Nam Ngư, Chinsu, Thuyền Xưa, Liên Thành, Hạnh Phúc, Lê Gia, Ông Kỳ... Các hũ gia vị mang thương hiệu DhFoods thời gian này cũng đã “phủ sóng” rất đa dạng các hạng mục, từ muối tôm, muối ớt xanh Tây Ninh cho đến sốt chanh dây, sốt me, mắm nêm cá cơm...

Gia vị bây giờ không chỉ là dạng bột, mà còn có dạng viên nén, sốt sệt, sốt loãng... nhằm mở rộng đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp.
Gia vị bây giờ không chỉ là dạng bột, mà còn có dạng viên nén, sốt sệt, sốt loãng... nhằm mở rộng đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp.

Nielsen Việt Nam cho rằng thị trường gia vị Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm 25 – 32% trong giai đoạn 2016 – 2022. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới. Theo một báo cáo của Euromonitor, ngành hàng gia vị có quy mô thị trường khoảng 33.500 tỷ đồng, với 64% đóng góp từ phân khúc nước chấm. Trong đó, nước mắm chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng quy mô đạt 15.000 tỷ đồng, tiếp sau là nước tương với quy mô 2.800 tỷ đồng và tương ớt 2.600 tỷ đồng…

Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, thị trường gia vị còn nhiều tiềm năng và có mức tăng trưởng hàng năm 4% - 5%. Một thị trường tưởng nhỏ nhưng khi được đầu tư bài bản thì doanh nghiệp có thể dễ dàng kiếm cả trăm tỷ đồng mỗi năm chỉ từ việc bán lọ muối hay gói sốt cho các bà nội trợ. Chính bởi sự hấp dẫn của thị trường này, giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và các sản phẩm ngoại nhập hiện nay tồn tại sự cạnh tranh đầy quyết liệt và sống động.

KỲ VỌNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT

Là doanh nghiệp khởi nghiệp với nước mắm truyền thống, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia gần đây nghiên cứu thêm nhiều gia vị chế biến khi nhận thấy mảng này đang sôi động. Doanh nghiệp đã làm ra gia vị cá kho, thịt kho, kho quẹt… và tới đây là hạt nêm hải sản giúp người nội trợ tiết kiệm thời gian nấu nướng. “Người tiêu dùng ngày càng thích gia vị từ các nguyên liệu tự nhiên, không dùng chất bảo quản, chất điều vị… Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm có chỗ đứng là không dễ, rất nhiều sản phẩm phải rời thị trường vì không đáp ứng được khẩu vị của người dùng”, CEO Lê Anh của Lê Gia nhận xét.

Tăng chất Việt trên thị trường gia vị - Ảnh 1

Được mệnh danh là “ông trùm gia vị” của Việt Nam khi sản phẩm được phủ khắp các hệ thống siêu thị trong nước, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP DhFoods, cho biết nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay thay đổi, họ muốn sử dụng nhiều hơn gia vị đặc sản vùng miền nhưng phải tiện lợi và bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông Dũng hy vọng ngành gia vị chế biến của Việt Nam có thể đi theo con đường của Thái Lan để có mặt tại các kệ siêu thị toàn thế giới. Hiện tỷ trọng xuất khẩu của DhFoods chiếm 10% doanh thu, ông đặt mục tiêu đưa tỷ trọng này lên 30% vào năm 2025.

Không chỉ những thương hiệu lớn, ngay cả các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng được lợi trong thị trường đầy tiềm năng này. Ông Huỳnh Văn Bé, chủ cơ sở muối sấy Ngọc Yến tại Đồng Tháp cho biết: 16 năm trước cơ sở của ông chỉ bán từ 5 - 10 kg muối sấy mỗi ngày nhưng nay sản lượng đã tăng lên 6 tấn/ngày. Năm 2021, những gói muối sấy - gia vị chấm trái cây, gia vị trong bữa ăn, gia vị ướp cá thịt...  đã mang về cho cơ sở Ngọc Yến 80 tỷ đồng doanh thu. Không chỉ bán trong nước, muối sấy Ngọc Yến bắt đầu chinh phục người tiêu dùng Hàn Quốc và Mỹ. 

Tương tự, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh cũng khẳng định nhu cầu tiêu dùng gia vị trên thế giới rất lớn và nguyên liệu sản xuất những mặt hàng này của Việt Nam rất phong phú. Riêng với hồ tiêu, hiện Việt Nam đứng thứ nhất thế giới về nguồn cung. Mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu 6.000 container tiêu và các loại gia vị tiêu (tiêu tiệt trùng, sốt tiêu…) sang nhiều nước, trong đó có Mỹ và châu Âu. “Hiện 50% sản phẩm sốt tiêu được sử dụng trên thế giới là của Phúc Sinh và 70% thị phần tiêu tại Israel cũng do công ty cung ứng”, ông Phan Minh Thông cho biết. 

Việt Nam có trên 1.000 loại gia vị khác nhau, trong đó có những loại rất đặc trưng, độc đáo mà không quốc gia nào có.
Việt Nam có trên 1.000 loại gia vị khác nhau, trong đó có những loại rất đặc trưng, độc đáo mà không quốc gia nào có.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, gia vị Việt khá tự tin khi đi vào những thị trường mới với tiêu chuẩn đặc biệt của tôn giáo, của địa phương. Tuy vậy, không chỉ có gia vị mà hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam hiện chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới, vì thế giá bán chưa thể tương xứng với giá trị. Để thay đổi hiện trạng này phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi tất cả doanh nghiệp cùng có ý thức xây dựng. “Nếu các doanh nghiệp biết bắt tay với nhau thì chúng ta có thể quảng bá, làm thương hiệu cho một dải sản phẩm rất rộng, từ gia vị đến các loại nông sản, thực phẩm xuất khẩu”, bà Hạnh đề xuất.

“Gia vị Việt Nam rất phong phú nhưng để hướng đến nhiều người tiêu dùng, chúng ta cần phải có một hệ thống quản lý đảm bảo được an toàn thực phẩm. Phải ổn định được chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường”, ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia tư vấn gia vị chuẩn hội nhập cho hay. Bên cạnh đó, thị trường gia vị cũng đang rất cần một bộ khung quản lý về chất lượng và khâu quảng bá thương hiệu để các doanh nghiệp được cạnh tranh, phát triển trong môi trường công bằng, lành mạnh.

Việt Nam có trên 1.000 loại gia vị khác nhau, trong đó có những loại rất đặc trưng, độc đáo mà không quốc gia nào có. Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho gia vị Việt trong tương lai, không chỉ tạo nên thương hiệu hay ngành chế biến mà thậm chí còn là một nền kinh tế gia vị.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tăng chất Việt trên thị trường gia vị - Ảnh 2