19:20 30/01/2024

Tăng cường công tác phòng chống tác hại rượu bia trong dịp Tết

Thu Hằng

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm, lễ, Tết để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đây là một trong những nội dung nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, và để tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán, cũng như các dịp lễ hội năm 2024.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ, ngày hội trong năm 2024. Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội.

Đặc biệt, tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Các địa phương quán triệt, phổ biến, và tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương. Xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách địa phương hằng năm để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực phụ trách.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe; phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người lao động, cho học sinh, sinh viên. Nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và các lĩnh vực liên quan khác.

Ngoài ra, đề nghị địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Thời gian tới là Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ rượu, bia của người dân tăng cao. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm các ca ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: Uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây), hoặc ngâm với động vật...

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, tổn thương gan và ruột; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, Bộ Y tế khuyến cáo không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị...