00:56 17/03/2008

“Tăng giá điện là bất khả kháng”

Nguyên Trang

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) nói về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới

"Các nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ phần lớn là do các chủ đầu tư."
"Các nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ phần lớn là do các chủ đầu tư."
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) nói về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới.

"Chúng ta chưa có thị trường điện"

Điều kiện để sản xuất điện của nước ta hơn hẳn nhiều nước nhưng chúng ta luôn thiếu điện, trong khi họ lại thừa điện, thậm chí còn có điện để xuất khẩu. Phải chăng năng lực của EVN hạn chế và luôn bị động?

Theo tôi, EVN hoàn toàn không bị động, mà EVN đã nhìn trước được vấn đề này.

Thời gian qua mức độ tăng trưởng của ngành điện là 18%, có thể nói là mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Nên không thể nói rằng là ngành điện đã không cố gắng và bị động.

Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ về cơ chế xây dựng nhà máy, kinh doanh điện và thực tế là EVN đã tập trung vào tiết kiệm điện, thậm chí cả bán cả đèn, làm việc với các địa phương.

Tuy nhiên, các giải pháp có hiệu quả không thì lại không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của EVN.

Ngoài ra đây cũng là bài toán về đầu tư. Để xây dựng một nhà máy điện phải mất một thời gian khá lâu, thường là từ 5 - 10 năm. Bên cạnh đó, chúng ta còn những thủ tục về đầu tư, ví dụ như nhà máy 1.000 MW với kinh phí đầu tư là trên 20.000 tỷ đồng phải trình ra Quốc hội. Xây dựng điện phải theo quy hoạch, theo tổng sơ đồ do Thủ tướng phê duyệt.

Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là chúng ta chưa có thị trường điện. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì làm theo cơ chế thị trường sẽ tốt hơn. Hy vọng sau năm 2009 thì thị trường điện cạnh tranh sẽ giúp ngành điện phục vụ tốt hơn.

EVN mới trình Chính phủ đề án về tăng giá điện. Vậy lộ trình cụ thể sẽ như thế nào, thưa ông?

Hiện nay chưa có ý kiến khác về lộ trình tăng giá điện từ 1/7/2008. Tuy nhiên, vấn đề tăng hay không tăng và nếu tăng thì thời điểm, mức tăng như thế nào sẽ do Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay EVN đang phải mua điện và dự báo với mức mua như hiện nay thì EVN sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Vì vậy, nếu càng kéo dài thời gian mua vào thì EVN càng lỗ.

Trong khi đó, ngành điện hiện nay lại đang phải chịu sự điều tiết của Chính phủ. Vì vậy, dù sắp tới có tăng giá hay không thì theo tôi, Chính phủ phải có cơ chế phù hợp để EVN không bị lỗ và đất nước cũng không bị thiếu điện.

"Chậm tiến độ phần lớn do chủ đầu tư"

Một trong những lý do khiến vấn đề điện luôn căng thẳng là do có quá nhiều dự án chậm tiến độ. Vậy tại sao EVN không tập trung khắc phục mà lại tính đến việc tăng giá điện?

Các nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ phần lớn là do các chủ đầu tư. Tôi lấy ví dụ, Nhiệt điện Uông Bí là một dự án do Lilama thực hiện nên việc chậm tiến độ không phải lỗi của EVN.

Hơn nữa, giải pháp kỹ thuật đối với nhà máy điện không đơn giản. Nếu nói việc đẩy nhanh tiến độ nằm ngoài tầm kiểm soát thì không đúng nhưng quả thật có những khó khăn mà chúng tôi buộc phải có thời gian mới xử lý được.

Còn vấn đề tăng giá điện là một tất yếu và bất khả kháng đối với EVN vì mặt bằng giá cả trong nước và thế giới đều tăng, trong đó giá một số nguyên liệu đầu vào như dầu, than, nhiên liệu, xi măng, sắt thép…đều tăng cao, nên buộc EVN cũng phải tăng giá điện... Đó là việc bất khả kháng đối với EVN.

Nếu đề xuất tăng giá điện của EVN không được Chính phủ chấp nhận thì liệu EVN có thể “cầm cự” đến bao giờ?

Đã là kinh doanh thì phải sòng phẳng và minh bạch. Nếu lỗ thì chúng tôi sẽ báo cáo với Chính phủ là lỗ, còn lãi thì báo cáo là lãi, không thể nói là cầm cự.

Với tình hình hiện nay, mức lạm phát mà Chính phủ quyết như thế nào thì Chính phủ sẽ cân nhắc. Nếu chúng tôi mua với giá đắt mà bán với giá rẻ thì lỗ là cái chắc. Còn nếu Chính phủ vì mục tiêu giảm lạm phát mà thay đổi lộ trình tăng giá điện thì EVN vẫn phải chấp nhận.

Nếu vậy thì việc thiếu điện năm nay sẽ lại càng căng thẳng hơn năm ngoái, thưa ông?

Tiềm năng tiết kiệm điện của chúng ta hiện vẫn còn lớn.

Chẳng hạn, ngành công nghiệp hiện tăng trưởng 17%/năm nhưng tăng trưởng điện phục vụ cho công nghiệp thì hơn 19%. Hiệu quả sử dụng điện trong công nghiệp chưa cao, nên chúng tôi đang đề nghị ngành này tiết kiệm 2% một năm.

Nếu chúng ta tiết kiệm được thì chúng ta đảm bảo đủ điện, còn nếu không tiết kiệm thì sẽ tiếp tục thiếu điện trầm trọng.