06:00 17/08/2022

Những tháng cuối năm khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu

Lưu Hà

Hiện đã vào giữa quý 3, các doanh nghiệp đang nỗ lực bước vào mùa sản xuất cuối năm. Nhưng dưới tác động của tình hình thế giới và những biến động thị trường, dự báo tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dù xuất khẩu 7 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo: từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. Từ đó, nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động ứng phó với các thách thức.

TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU SẼ CHẬM LẠI

Thực tế tại nhiều doanh nghiệp, ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang dần chậm lại. Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại giày dép Nguyên Nguyên Phước (Bình Dương), cho biết trước đây, doanh nghiệp có thể nhận đơn hàng trước từ 1 - 2 quý. Tuy nhiên, với những biến động thị trường như hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể nhận đơn hàng trước 2 - 3 tháng. Theo ông Phước, tình hình 6 tháng đầu năm khá khả quan, song nửa cuối năm thị trường da giày sẽ chậm lại. Tháng 9, tháng 10 sẽ là vùng trũng của đơn hàng.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương, cũng nhận định những tháng cuối năm, đơn hàng đang từng bước giảm dần. “Một số doanh nghiệp đang phải “ăn đong” đơn hàng xuất khẩu. Đơn hàng không được dồi dào như trước, thậm chí có doanh nghiệp trong ngành đã bị hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Hiện tại, trong 3 tháng 8, 9, 10, lượng đơn hàng đã giảm 30% so với những năm trước”, ông Vũ nói.

Trong ngành dệt may, hiện có nhiều tín hiệu tốt về đơn hàng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm có nhiều yếu tố mang tính đột biến và không lường trước được. Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu mới đây, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho rằng tình hình xuất khẩu của dệt may sẽ tăng trưởng chậm lại. Lạm phát, chiến sự Ukraine ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp bị giảm.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, lo lắng việc đồng Euro giảm giá so với Đôla Mỹ đã làm người tiêu dùng châu Âu càng thắt chặt chi tiêu hơn, nếu tình trạng này còn kéo dài thì nhu cầu nhập hàng yếu đi sẽ gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam. Đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của Việt Thắng Jeans giảm gần 20%.

Trong ngành dệt may, những tháng cuối năm có nhiều yếu tố mang tính đột biến và không lường trước được.
Trong ngành dệt may, những tháng cuối năm có nhiều yếu tố mang tính đột biến và không lường trước được.

Ở một số ngành sản xuất khác, việc sụt giảm đơn hàng đã và đang xảy ra chứ không còn là dự báo hay cảnh báo. Thông tin tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý 3/2022, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay, trong cuộc khảo sát hai tuần vừa qua, có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ thừa nhận mức doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Đặc biệt, khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Tương tự, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang đối diện với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này được dự báo có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP,  xuất khẩu giảm tốc là do tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ, đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 5 vừa qua. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3.

TÌM GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG

Trước bài toán khó thị trường xuất khẩu giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao, các doanh nghiệp xác định không thể thụ động dựa dẫm vào các đối tác nước ngoài hoặc chờ đợi lạm phát đi xuống. Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với các Hiệp hội và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2022, nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp chủ động đưa ra để nỗ lực giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; giảm bớt chi phí các khâu trung gian… trong thời kỳ khó khăn này.

 
Khoảng 71% doanh nghiệp ngành gỗ cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Theo khảo sát của Viforest và Forest Trends, giảm quy mô sản xuất đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp ngành gỗ lựa chọn nhất. Cụ thể ở giải pháp này, người lao động sẽ được nghỉ ngày thứ 7, không tăng ca và chỉ làm 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần. Hoạt động sản xuất cũng sẽ được sắp xếp tinh gọn để giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia sẻ các doanh nghiệp thuộc Vinatex đang tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải) để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, bảo đảm khép kín chuỗi cung ứng. Vinatex cũng liên tục cập nhật biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên; nhập khẩu một lượng bông dự trữ nhất định cho các doanh nghiệp sợi với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá, sẵn sàng cho các đơn hàng trong nửa cuối năm.

Tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trang Minh Đức (TP.Biên Hòa), Giám đốc công ty Vũ Văn Toàn chia sẻ, doanh nghiệp làm trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, sản xuất máy nên nguồn nguyên, vật liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. “Việc nhập khẩu không dễ dàng nên chúng tôi phải tích trữ dần vật liệu để sản xuất trong những tháng cuối năm, thậm chí là cả năm sau, phòng tình hình có những biến động hay giá nguyên, vật liệu tăng nóng trở lại,” ông Toàn cho hay.

Các doanh nghiệp xác định không thể thụ động dựa dẫm vào các đối tác nước ngoài hoặc chờ đợi lạm phát đi xuống.
Các doanh nghiệp xác định không thể thụ động dựa dẫm vào các đối tác nước ngoài hoặc chờ đợi lạm phát đi xuống.

Trước tình trạng giá cước vận tải tăng tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhận định năng lực tự chủ về logistics được coi là một trong những rào cản khá lớn. Vì vậy, tổng thể cần xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào đội tàu của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cải thiện các mô hình kinh doanh, tái sắp xếp chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan từ các FTA và thâm nhập vào thị trường mới.

Còn ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất khẩu Đồng Nai, đề xuất các ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Cần thiết phải thiết kế gói tín dụng riêng để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn. “Việc giảm giá xăng dầu mạnh trong trong những ngày vừa qua cũng phần nào giảm bớt áp lực chi phí vận tải cho các doanh nghiệp”, ông Chương chia sẻ thêm.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, những tháng cuối năm 2022 được dự báo sẽ còn nhiều thách thức, tuy nhiên đây cũng được xem là phép thử dành cho các doanh nghiệp. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc tận dụng tốt thị trường, khai thác tối đa các hiệp định thương mại sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc. Điều quan trọng là từng doanh nghiệp phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp, chủ động trước các tác động không mong muốn.